Cho tròn chữ hiếu...
Khi tuổi cao sức yếu là lúc cha mẹ cần sự cận kề, gần gũi của con cái hơn bao giờ hết. Tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà mỗi người có cách quan tâm, chăm sóc, báo hiếu cha mẹ, trọn đạo làm con…
Chị Ngọc Diễm ở quận Ninh Kiều, chuẩn bị đi làm thì nhận được điện thoại của em trai út từ Vĩnh Long báo tin cha trở bệnh, chuẩn bị đưa vào viện ở Cần Thơ. Chị Diễm vội sắp xếp công việc để vào chăm cha. Chị Diễm là chị lớn trong gia đình có 4 chị em, 2 trai, 2 gái. Trong đó, 2 chị em gái sinh sống tại TP Cần Thơ, em trai kế ở TP Hồ Chí Minh, chỉ có người em trai út sống cùng cha và chăm sóc vườn tược. Khoảng nửa năm nay, cha chị bị bệnh khá nặng. Chị Diễm kể: “Ban đầu, chị em tôi chia “phe”, tranh cãi việc chọn nơi điều trị bệnh cho cha. Sau cuộc họp gia đình, phân tích thiệt hơn, 4 chị em quyết định để cha điều trị tại Cần Thơ, thuận tiện để 2 con gái gần gũi, thay phiên nhau chăm sóc. Nhờ chị em đoàn kết, thống nhất nên ba tôi cũng yên tâm trị bệnh”.
Gia đình chị Đinh Thị Hạnh ở quận Cái Răng, cũng có cách sắp xếp hợp lý để cùng chăm sóc mẹ già 94 tuổi. Chị Hạnh kể, trước kia, mẹ chị sống với người em trai út ở Hậu Giang, nhưng nhà người em ở khu vực nông thôn, mỗi khi đưa mẹ đi khám bệnh rất khó khăn. Sau khi hỏi ý kiến mẹ, anh chị em trong nhà thống nhất để chị Hạnh đón bà về phụng dưỡng hơn 8 năm qua. Chị Hạnh có tiếng là chăm mẹ rất kỹ, được lối xóm hết lời khen ngợi. Chị Hạnh phấn khởi khoe, từ khi về sống cùng chị, sức khỏe mẹ được cải thiện nhiều. Các anh chị em trong gia đình cũng vui vẻ, hòa thuận, thường xuyên ghé thăm, động viên tinh thần mẹ.
Vợ chồng chị Trần Thị Phượng ở quận Ô Môn, đang phụng dưỡng mẹ ruột chị năm nay 73 tuổi. Nhà chị Phượng có 5 anh chị em, sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Trước đây, mẹ chị sống cùng người em gái út ở TP Hồ Chí Minh. Nhà em gái đơn chiếc, lại có con nhỏ nên anh chị em bàn bạc quyết định để chị Phượng đón mẹ về chăm sóc. Chồng chị Phượng cũng đồng tình và ủng hộ. Chị Phượng kể: “Vợ chồng tôi cư xử với hai bên nội ngoại như nhau. Sức khỏe của mẹ tôi yếu, đi lại khó khăn, chồng tôi không ngại chăm chút. Có món ngon, anh đều dặn nhớ để dành phần bà ngoại. Hai con tôi cũng rất yêu quý bà”. Các anh chị em của chị Phượng thì tùy khả năng, gởi chi phí nhờ chị bồi bổ, chăm lo sức khỏe mẹ. Dịp Tết, mọi người cùng tụ họp tại nhà chị Phượng, mừng tuổi mẹ và sum vầy, đầm ấm.
Nhìn cô Phạm Kim Hồng ở phường Long Hưng, quận Ô Môn và mẹ ruột năm nay 89 tuổi thường xuyên ngồi trò chuyện bên nhau, ai cũng thấy ấm lòng. Cô Kim Hồng tâm sự: “Gia đình tôi ở Sóc Trăng, có 9 anh chị em. Các anh chị em đều rất yêu quý mẹ, nhưng mẹ ở với tôi vừa ý, lại vui khỏe nên ai cũng tin cậy để tôi chăm sóc mẹ. Anh chị em cũng tranh thủ thăm mẹ, điện thoại động viên, gởi quà, thể hiện tình cảm bằng cách này, cách khác”. Ở tuổi 89, mẹ cô Kim Hồng vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Cô Hồng chia sẻ, cô để mẹ tự chủ động trong việc sinh hoạt, lao động nhẹ nhằm lưu thông máu huyết. Cô đặc biệt chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi. Mẹ cô dù tuổi cao vẫn hăng say lao động, ngày ngày đan rổ tre. Mỗi tháng mẹ cô đan được 30 cái rổ, giá bán 30.000 đồng/cái, bà dùng số tiền đó tặng những người già có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.
Chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ tuổi xế chiều không chỉ là tình thương, trách nhiệm mà còn là đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc. Thực tế cho thấy, anh chị em đoàn kết, hòa thuận, có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ trách nhiệm thì việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ càng thêm ý nghĩa, chu đáo, thuận lợi.
Theo Đồng Tâm/ Báo Cần Thơ
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.
Nhà chật đến mấy vẫn phải tránh đặt bếp 4 hướng này để không lục đục, ốm đau
Bếp không chỉ đơn thuần là nơi nấu nướng mà còn mang theo nguồn năng lượng hỏa, ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ. Có một số lỗi phong thủy khi đặt bếp nấu mà nhiều gia đình Việt thường mắc phải.
Giải trí ảo, hậu quả thật
Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…
Khi mẹ là cô giáo
Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.
Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc
Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.