Con về Hà Nội làm dâu
Đêm nay, lúc vầng trăng hạ tuần lên ngang đầu, bố sẽ ra sân hướng mặt về phương trời Thủ đô; cầu xin thần rừng, thần núi, ma sông, ma suối phù hộ cho con gái của bố mẹ hạnh phúc, bình an...
Seo Chải, ngày 15 tháng 05 năm 2023
Con gái yêu quý của bố mẹ!
Chiều nay, bố viết thư cho con. Mà con có biết tại sao lại là chiều nay chứ không phải sáng nay? Tại sao lại là lại hôm nay chứ không phải hôm qua, hôm kia, cũng không phải ngày mai, ngày mốt không? Rất có thể con không lưu tâm, nhưng con ạ, đúng ngày này của tròn một năm trước, chính xác hơn là đúng buổi chiều thế này của tròn một năm trước, bố mẹ ngậm ngùi tiễn con đi lấy chồng, dòng họ Giàng tiễn con đi lấy chồng, bản Seo Chải tiễn con đi lấy chồng.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu con lấy chồng sang bản khác, xã khác, huyện khác... như nhiều cô gái trong bản mình. Đằng này, con lấy chồng về Hà Nội, làm dâu người Hà Nội và đó là điều lần đầu tiên xảy ra với dòng họ Giàng nhà mình, với bản Seo Chải nghèo khó và lạc hậu nơi thâm sơn cùng cốc của mình.
Hơn hai năm trước, lúc con học năm cuối cùng đại học Sư phạm tại Hà Nội, có lần con gọi điện khoe với mẹ rằng con và một bạn sinh viên cùng lớp rất yêu nhau, bạn ấy người Thủ đô và con muốn gia đình tán thành cho các con lấy nhau. Đêm ấy, trong những cơn gió bấc ràn rạt như trăm ngàn ngọn roi cùng quất vào vách đá biên cương, mẹ đã khóc đến giọt nước mắt cuối cùng mà một bà mẹ 48 tuổi người dân tộc thiểu số có được. Bố khuyên can mẹ rất nhiều nhưng mẹ cũng có lý của mẹ.
Trái tim của người mẹ từng mấy chục năm ăn đói nhịn khát để nuôi 7 đứa cả con chết lẫn con sống, giờ mơ hồ cảm thấy như thể con sắp “không còn” là của bố mẹ nữa. Vậy là cuối cùng, điều mà ông bà, bố mẹ lo lắng đã thành sự thật; còn kinh hoàng hơn cả tin có bầy hổ rất hung dữ vừa xuất hiện trong cánh rừng hoa ban đầu bản ta.
Tròn một năm qua rồi, cho dù cuộc sống ruộng nương vô cùng bận rộn, nhưng bố mẹ không thể quên cái buổi chiều đắng đót tiễn con xuống núi, để xe nhà trai đón con về Hà Nội. Dạo ấy, rất đau lòng khi cả bố và mẹ đều ốm nên đành nhờ chú bác trong họ đi cùng nhà trai. Con biết không, sau hôm tiễn con về Thủ đô, ông bà nội giận bố mẹ suốt mấy tháng trời. Ông bà cho là bố mẹ “chỉ sĩ rởm, muốn con gái lấy chồng Hà Nội cho khác người trong bản, trong xã”. Bố không dám cãi ông bà nửa lời, còn mẹ thì chỉ biết âm thầm khóc và khóc, thế thôi.
Có thể ông bà nội không biết buổi chiều hôm tiễn con đi làm dâu nhà người, dưới ánh hoàng hôn nhuộm vàng những cánh rừng tháng chạp, mẹ ra đầu bản tựa lưng vào phiến đá nhìn theo cho đến khi bóng con mờ dần rồi khuất hẳn sau tảng đá cuối bản. Chỗ mẹ đứng khóc giọt nước mắt rơi xuống tảng đá, giờ chỉ cần búng nhẹ ngón tay vào đó là rung lên những cung thương như cứa vào lòng nhau của cây độc huyền cổ truyền dân tộc Mông. Là đàn ông nên bố can đảm hơn, bố bảo mẹ thương con thì giấu ở trong lòng, khóc làm gì cho thêm nặng bước chân con - bước chân người con gái vùng cao vốn đã như có hàng tạ đá núi buộc vào.
Con gái yêu quý!
Còn điều này nữa, gần một năm qua bố cứ lấn cấn mãi không biết có nên nói với con không? Giá như mẹ viết thư cho con được thì phù hợp hơn, vì dù sao mẹ và con cũng là phụ nữ với nhau. Nhưng khổ nỗi mẹ lại không biết chữ, nên hôm nay bố quyết định nói với con. Đó là con có biết tại sao tập quán nghìn xưa của người Mông mình, cái giường cho đôi tân hôn (cũng như đôi vợ chồng trẻ những năm đầu lấy nhau), vừa hẹp về chiều ngang lại ngắn về chiều dài không?
Là vì, để đôi vợ chồng dù ban ngày có giận dỗi nhau thế nào, thì đêm cũng không thể nằm cách xa nhau. Thậm chí, ngay cả là khi vợ chồng không hợp nhau chăng nữa, thì đêm vẫn buộc phải nằm co chân “úp lưng tôm” vào nhau, để rồi lâu dần sẽ bén hơi nhau. Đó là nét đẹp hôn nhân chỉ có ở người Mông mình, chứ không thể có với các dân tộc khác trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Chả thế mà trong bản Seo Chải của mình, trong cả xã Phiêng Pằn của mình, mấy chục năm nay không có cặp vợ chồng nào ly dị. Có thể gia đình này hạnh phúc hơn gia đình kia, gia đình kia hạnh phúc hơn gia đình khác... nhưng thật kỳ diệu là cuộc sống tuy nghèo khó thế, vất vả thế mà không một cặp vợ chồng nào tan vỡ cả, con ạ!
Trong huyện, trong tỉnh thì bố không biết nhưng đúng là trong xã mình và nhất là trong dòng họ Giàng nhà mình, tính đến nay con là trường hợp đầu tiên và duy nhất lấy chồng người Hà Nội. Đúng vậy con ạ, “làm dâu Hà Nội” vui thì rất vui nhưng mừng thì phải đợi xem đã. Chính vì thế bố chờ đúng một năm, chiều nay mới viết thư cho con. Vẫn biết một năm là khoảng thời gian chưa thật dài, nhưng có thể con sẽ ngộ ra điều gì đó, tự con chiêm nghiệm, tự con lắng lòng.
Hình như thành ngữ Việt Nam có câu: “Phận gái mười hai bến nước”, trong nhờ đục chịu? Bố học vấn thấp nên không hiểu lắm câu ấy nghĩa chính xác là gì, chỉ biết làm dâu Hà Nội dù vui bao nhiêu, dù sung sướng bao nhiêu con cũng đừng quên quê hương vùng sâu, biên giới của mình. Cho dù vùng quê ấy rất buồn, nhìn vào đâu cũng thấy đá. Đá chen chúc dưới lòng suối như những thực thể cạnh tranh sinh tồn, đá từ hè ra sân, từ sân vào bếp, từ nhà nọ sang nhà kia và từ bản này sang bản khác. Trường ca “Tiếng hát làm dâu” nổi tiếng của dân tộc Mông, nhiều thế hệ người Mông hát trên tầng tầng đá phiến. Cả nồi nước lá thơm cho con tắm lần cuối cùng trước khi về Hà Nội, cũng được mẹ nấu trong cái nồi bắc lên những cục đá xù xì, gan góc. Một trăm năm nay, một nghìn năm nay và một vạn năm nay vẫn thế; đá với người chấp nhận nhau trong cuộc sống ruộng nương bấp bênh và bộn bề khó nhọc, nơi biên cương xa lắc xa lơ.
Con gái yêu quý!
Thư chưa dài nhưng bố phải dừng tại đây thôi, vì chú Sáy Lử vừa gọi điện bảo là có mấy con nai hay trâu bò gì đó về phá nương ngô nhà mình. Lời cuối cùng, bố mẹ mong các con hạnh phúc và con hãy nhớ, dù gì thì con cũng phải sống tròn bổn phận vợ hiền, tròn nghĩa vụ dâu thảo trước đã. Mãi mãi bố mẹ yêu thương con như hơn hai mươi năm trước, lúc con ra đời chỉ nhỏ như củ ráy dại mọc hoang giữa đại ngàn.
À mà này, bố mẹ để dành hai mái gà ri và một yến gạo nếp nương, đầu tháng sau lúc con sắp đẻ mẹ sẽ mang về. Vẫn biết chợ Hà Nội không thiếu gì thịt gà, nhưng thịt gà ri quê mình ngon và bổ ngang với thuốc bắc núi đá, đặc biệt giúp phục hồi sức khỏe rất tốt cho những sản phụ sinh con so!
Đêm nay, lúc vầng trăng hạ tuần lên ngang đầu, bố sẽ ra sân hướng mặt về phương trời Thủ đô; cầu xin thần rừng, thần núi, ma sông, ma suối phù hộ cho con gái của bố mẹ hạnh phúc, bình an...
Bố mẹ yêu con thật nhiều!
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Trương Hữu Thiêm
Địa chỉ: Số nhà 169 - Tổ dân phố 1 - Phường Mường Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ - Tỉnh Điện Biên
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!
Bạn ghen tị với người khác giới điều gì?
Đàn ông ghen tị với khả năng mang lại sự sống mới cho thế giới của phụ nữ, một số còn ghen tị cả với vai trò làm mẹ. Trong khi đó phụ nữ ghen tị với những điều bất ngờ khác.
Ước mơ làm mẹ của cô gái bại não
Một phụ nữ Trung Quốc mắc bệnh bại não quyết tâm bảo vệ mong muốn được làm mẹ của mình trước những lời chỉ trích trực tuyến.
Phong thủy bàn làm việc giúp sự nghiệp “thăng hoa" trong năm mới
Sự hài hòa trong việc sắp xếp bàn làm việc theo phong thủy sẽ giúp tâm trạng, sức khỏe, tiền tài và vận may trong công việc và sự nghiệp của gia chủ.
Tết vui, tiết kiệm
Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các gia đình đã bắt đầu sắm sửa để chuẩn bị đón mừng năm mới. Với sự chu đáo, vén khéo, nhiều chị em lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cả nhà có một mùa vui ý nghĩa.
Giáo dục con truyền thống gia đình qua dịp lễ Noel
Giáng sinh đang dần trở nên quan trọng khi là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ yêu thương, chia sẻ và tận hưởng không khí vui tươi bên bạn bè, người thân.
Cùng nhau vượt khó
(NSMT) - Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi mà có những “khúc quanh” đột ngột như mất việc làm, ốm đau… Ðiều quan trọng, người trong cuộc đừng bi quan mà hãy suy nghĩ tích cực, tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Sẽ đáng quý hơn nếu như trong lúc thắt ngặt, thất bại, có sự chung tay trợ giúp của gia đình.
Hạnh phúc hơn khi sinh đủ 2 con
Nhiều hộ dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ thực hiện tốt thông điệp của ngành dân số thành phố “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Dẫu có lúc khó khăn về kinh tế nhưng các cặp vợ chồng đều cùng nhau vượt qua để xây dựng gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.