Ẩm thực

Cù Lao Dung - Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói

Thứ hai, 21/03/2022, 09:52 AM

(NSMT) - Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) là huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu, nơi gần với của biển Trần Đề và cửa biển Định An, được bao bọc bởi bốn bề sông nước, hệ thống sông rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật phong phú, hấp dẫn. Đây là vùng đất anh hùng, có truyền thống đấu tranh cách mạng và là một vùng đất được đánh giá có tiềm năng du lịch bậc nhất của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư huyện ủy Cù Lao Dung, cho biết: Cù Lao Dung còn có nhiều tên gọi như Huỳnh Dung Châu, Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Vuông, Cù Lao Chằng Bè,… Cù Lao Dung trước đây thuộc huyện Long Phú. Năm 2002, huyện Cù Lao Dung được thành lập có diện tích tự nhiên là 26.143,22 ha, địa giới hành chính của huyện rất đặc biệt: Phía Đông giáp tỉnh Trà Vinh; phía Tây giáp huyện Long Phú và huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); phía Nam giáp biển Đông phía Bắc giáp huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh).

Rừng ngập mặn còn nguyên sơ.

Rừng ngập mặn còn nguyên sơ.

Huyện được bao quanh bởi sông Hậu (gồm 2 cửa sông Định An, Trần Đề) và biển Đông, với đường bờ biển dài 17 km. Cù Lao Dung là huyện có hệ thống sông, rạch tự nhiên khá nhiều, không khí trong lành, mát mẽ quanh năm, thuận tiện cho phát triển hệ thống vườn cây ăn trái đặc sản ở các xã đầu cù lao; nuôi tôm, nghêu, cua, trồng nhãn ở các xã ven biển. Huyện còn có tài nguyên biển rất phong phú và đa dạng. Đặc biệt, hơn 1.200 ha rừng phòng hộ của huyện cùng bãi bồi hàng chục ngàn héc ta, có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các hoạt động vui chơi giải trí trên biển.

1a

Theo dòng lịch sử,  khoảng 200 năm trước, Cù Lao Dung là vùng cù lao nhỏ đa số ngập nước, có nhiều thú rừng như cọp, heo rừng, khỉ, rái cá, trăn, rắn, nhiều loài giáp xác, nhuyển thể khác. Đầu thế kỷ XX, thống kê huyện chỉ có trên 2.000 người sống tập trung ở 2 làng An Thạnh Nhất và An Thạnh Nhì. Dần dần, vùng cù lao ngày càng mở rộng lấn ra biển Đông, người dân ở đất liền 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh sang khai phá, lập nghiệp ở vùng đất mới.

Huyện còn có truyền thuyết về chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) về vùng cù lao ẩn nấp trốn quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh đuổi vào những năm cuối thế kỷ XVIII, nên ngày nay còn có các địa danh rạch Long Ẩn và rạch Trường Tiền ở xã An Thạnh Nhất. Còn ở xã An Thạnh Nam lại có truyền thuyết về Sân Tiên đầy hấp dẫn.

“Xác định được vị trí, địa lý và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND huyện đã kêu gọi đầu tư và khai thác các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với loại hình du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra loại hình văn hóa đặt trưng của vùng sông nước cù lao này”, ông Lê Trọng Nguyên co biết thêm.

1b

Theo ông Nguyên, những năm trước, Cù Lao Dung đã tiếp nhận Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị thực hiện.

Dự án này tập trung cho một số gia đình ở xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Nam (của huyện Cù Lao Dung). Các hộ được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và được khảo sát học tập kinh nghiệm các mô hình về du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay tại các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện ở địa phương mình.

Cụ thể, tại xã An Thạnh Nhất có 2 điểm là làng du lịch Trường Tiền và làng du lịch Long Ẩn. Tại đây, các sản phẩm được khai thác phục vụ khách là tham quan vườn cây ăn trái quanh vùng; trải nghiệm leo dừa, uống nước dừa, bơi xuồng, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước cù lao, nghỉ đêm tại các homestay, trải nghiệm sản phẩm cùng gói bánh dân gian với người dân và thưởng thức bánh nóng tại chỗ, nghe kể chuyện về lịch sử vùng đất Cù Lao Dung...

Còn tại khu du lịch Farmstay Sân Tiên (xã An Thạnh Nam) cung cấp dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, đàn ca tài tử… Đây là địa điểm thú vị cho các đoàn khách du lịch thích trải nghiệm, tận hưởng không gian thiên nhiên như: Đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, thưởng thức dừa nước mật ong, trực tiếp nướng vọp, sam, đạp xe đạp tham quan bãi cá thòi lòi; ở khu vực bãi bồi cung cấp dịch vụ tắm bùn thiên nhiên, trải nghiệm trò chơi dân gian “ném bùn - đạp mong”, cào nghêu, bắt nghêu, đi thuyền ra cửa biển câu cá, dùng cơm trên thuyền kết hợp đờn ca tài tử,….

Bên cạnh đó, huyện Cù Lao Dung còn triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý bền vững tài nguyên rừng ngập mặn và sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung” do tổ chức Bánh mì thế giới tài trợ giúp các hộ dân ven biển phát triển kinh tế gia đình, tham gia một số dịch vụ du lịch gắn với lợi thế tự nhiên của địa phương.

Khỉ rất thân thiện khi vào tận nhà dân.

Khỉ rất thân thiện khi vào tận nhà dân.

Anh Lê Thanh Hải (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi và bạn bè đã có chuyến đi Cù Lao Dung. Về đây tôi rất ấn tượng bởi một vùng đất rất bình yên. Nhưng thích nhất là khi được khám phá khu rừng bần cổ thụ ngập nước rộng khoảng 1.500 ha ở xã An Thạnh Nam. Theo hướng dẫn viên giới thiệu, đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến nay vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ."

Ông Trương Văn Dũng (47 tuổi, ngụ ấp An Qưới, xã An Thạnh Ba) cho biết: Mấy chục năm trước, gia đình ông và hàng trăm hộ dân địa phương được Nhà nước giao đất bãi bồi ven biển để trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thiên nhiên từ rừng.

“Nhờ cánh rừng phòng hộ này mà chúng tôi khai thác được nhiều nguồn lợi thủy sản để phục vụ khách du lịch sinh thái. Rừng hiện nay có rất nhiều chim, cò, ong rừng, ba khía, cua, tôm, cá các loại. Chúng tôi vừa chăm sóc, bảo vệ rừng vừa bắt cá, cua, tôm, ốc, ba khía,… dưới tán rừng ngập mặn này. Mỗi ngày cũng cho thu nhập 200-300 ngàn đồng. Chúng tôi khai thác nguồn lợi tự nhiên này và thả thêm cho chúng sinh trưởng. Về đây, du khách sẽ được thưởng thức các mon ăn hấp dẫn, sạch, an toàn như canh chua bần cá bống sao, cá ngát, cá bông lau, cá tra bần nấu với trái bần chín; gỏi (nộm) bông bần; trái bần sống ăn với mắm sống, cá thòi lòi nướng, cá ngát nướng, tôm, cua,… Khách đến tham quan ở rừng đước ven biển, được thưởng thức món ăn từ cua bắt trong rừng, cá thòi lòi nướng, tôm bần,… và ngắm nhìn bầy khỉ đùa giỡn rất thân thiện với con người. Khi du khách ăn uống, đàn khỉ thường xuất hiện và làm trò để được cho thức ăn”, ông Dũng vui vẻ nói.

Người dân mưu sinh ở rừng ngập mặn ven biển.

Người dân mưu sinh ở rừng ngập mặn ven biển.

Anh Vũ, chủ của một thuyền du lịch ở xã An Thạnh Nam, Cù Lao Dung, chia sẻ: Khoảng hơn 2 năm trước, gia đình anh đầu tư một chiếc tàu du lịch sinh thái biển phục vụ cho khách tham quan. Khi khách có nhu cầu, gia đình anh dùng tàu đưa khách đi tham quan dọc rừng bần ra biển, tham quan bãi bồi, bãi nghêu, tắm biển,.. và phục vụ ăn uống trên tàu nên rất nhiều người yêu thích.  Thuyền du lịch sinh thái biển của anh Vũ đón nhiều đoàn khách tham gia trải nghiệm. Tùy theo lượng khách, chủ tàu thu mỗi người 260.000-300.000 đồng, bao gồm chi phí tắm nước ngọt, nước lọc để uống và thức ăn trên suốt hành trình với những món ăn đặc sản ở địa phương.

“Khi khách có nhu cầu, chúng tôi đón khách tại bến trước trụ sở UBND xã An Thạnh Nam, đưa khách ra biển tham quan rừng bần, dừng chân ở bãi bồi để khách xuống tham quan. Ở bãi bồi, du khách được tắm biển, được trải nghiệm bắt nghêu, ốc và các hoạt động thể thao khác. Tầm 11h cùng ngày, khi nước lớn, bãi bồi bị ngập là chúng tôi đưa khách trở về.  Trên đường về, khách được ngắm nhìn những đàn khỉ, chim, cò ven rừng phòng hộ và thưởng thức các món ăn ngon như tôm càng hấp nước dừa, nghêu hấp, cá ngát nấu canh chua nước cốt bần và lá quế, gỏi các loại,..ngay trên tàu. Hết giờ, khách lên xe về nhà và hẹn sẽ gặp lại chúng tôi vào những lần sau cùng với nhiều bạn bè nữa”, anh Vũ chia sẻ thêm.

Thêm vào đó, Cù Lao Dung  còn có nhiều địa điểm gắn với truyền thuyết về những dấu tích trên đường bôn tẩu của vua Gia Long (Triều Nguyễn) như rạch Long Ẩn, rạch Trường Tiền; hay vùng đất linh thiêng có tên gọi Sân Tiên nằm ở cuối Cù Lao.

Về Cù Lao Dung, du khách còn được tham quan các di tích lịch sử như Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ, Bia Chiến thắng Rạch Già gắn với bài hát “Du kích Long Phú”, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng,…

Anh Nguyễn Văn Duy (phường 4-TP Sóc Trăng) nhận định: “Cù Lao Dung là huyện có thế mạnh về du lịch sinh thái vì vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp riêng của vùng sông nước. Nếu được đầu tư xứng đáng, có cầu Đại Ngãi nối quốc lộ 60, có cáp treo nối từ đường Nam sông Hậu sang, chắc chắn Cù Lao Dung sẽ trở thành “Phú Quốc” của Sóc Trăng”.

Một khu nhà nghỉ cuối tuần ấn tượng.

Một khu nhà nghỉ cuối tuần ấn tượng.

Ông Lê Trọng Nguyên, cho biết: “Là địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái nên huyện đã có kế hoạch phát triển Cù Lao Dung thành huyện du lịch. Vì vậy, Huyện ủy sẽ có nghị quyết về du lịch để xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng và liên vùng. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch tại Cù Lao Dung. Huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn. Mong ước của chính quyền và nhân dân địa phương là sớm có cầu Đại Ngãi qua Cù Lao Dung. Có cầu, chắc chắn du lịch nói riêng, kinh tế xã hội của huyện Cù Lao Dung sẽ khởi sắc”.

Sao Khuê  
Vì sao du khách đến Phú Quốc dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng không nhiều?

Vì sao du khách đến Phú Quốc dịp lễ 30/4 - 1/5 tăng không nhiều?

(NSMT) - Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tỉnh ước đón hơn 270.000 lượt khách, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, TP. Phú Quốc ước đón trên 125.000 lượt khách, tăng gần 12% so với cùng kỳ.

Tour chay miền Tây: 5 món lẩu chay “nghe lạ tai”  nhưng thơm ngon, thanh lành

Tour chay miền Tây: 5 món lẩu chay “nghe lạ tai” nhưng thơm ngon, thanh lành

Giữa cuộc sống hối hả, nhiều người thích rủ nhau đến không gian bình yên để thư giãn và thưởng thức những món chay tịnh. Gợi ý cho bạn dịp lễ này, 5 món lẩu chay “nghe lạ tai” nhưng vô cùng thơm ngon và thanh lành!

Cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Cảnh báo 5 thủ đoạn lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để người dân phòng tránh.

Thị trấn Hoàng Hôn Phú Quốc - Điểm đến gần hấp dẫn nhất cho khách phía Nam dịp 30/4

Thị trấn Hoàng Hôn Phú Quốc - Điểm đến gần hấp dẫn nhất cho khách phía Nam dịp 30/4

Thay vì trải nghiệm toàn đảo Phú Quốc, du khách thông thái đang truyền tai nhau dành trọn 3 ngày tại Thị trấn Hoàng Hôn khám phá thiên nhiên, trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp với chi phí chỉ từ 4-7 triệu đồng/người.

Tour chay miền Tây: Khám phá du lịch bản địa và thưởng chay

Tour chay miền Tây: Khám phá du lịch bản địa và thưởng chay

(NSMT) - Đổ xăng đầy bình rồi vòng vèo, vừa khám phá miệt vườn sông nước xứ Tây Đô, vừa thưởng thức những món chay ngon dành cho người ăn chay hoặc thích lối sống xanh, hẳn “tour không ăn thịt” này sẽ là một ý tưởng khá hay ho gợi ý cho bạn trong dịp lễ?

Cần Thơ đón khoảng 870.000 lượt khách tham gia các hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024

Cần Thơ đón khoảng 870.000 lượt khách tham gia các hoạt động dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024

(NSMT) - Từ ngày 17-21/4, các hoạt động nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ đã thu hút khoảng 870.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại TP. Cần Thơ.

Gìn giữ, lan tỏa hương vị bánh quê

Gìn giữ, lan tỏa hương vị bánh quê

Trong nhiều lần tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (DGNB), Hội thi Bánh DGNB là một trong điểm nhấn không thể thiếu. Hội thi không chỉ là sân chơi để nghệ nhân giới thiệu các loại bánh gia truyền, đặc sản quê nhà mà còn là không gian kết nối, lan tỏa tình yêu chiếc bánh quê đến du khách gần xa. Những chiếc bánh không chỉ mang tinh túy truyền thống mà còn được sáng tạo, góp phần làm nên sức hút mới cho bánh DGNB.