Giá như còn cha…
“Giá như Cha còn ở trên đời, thì con chẳng cần phải cố tỏ ra mạnh mẽ hơn. Những khi trong lòng muốn vỡ òa, thì con có thể ôm lấy cha và khóc… ”. Câu hát của Nam Em mỗi khi nghe đến nước mắt tôi lăn dài trên má khi nghe từng câu chữ và trong lòng nhói lên nỗi nhớ người Cha của mình...
Chẳng mấy lần tôi viết về cha mẹ đâu. Hiếm lắm, tình yêu thương của bậc sinh thành bao la không thể tả nỗi, mỗi lần đặt bút để viết thì chẳng thể nào viết được thành câu, chắc tình cảm của bản thân còn quá nhỏ bé! Đến tận bây giờ tôi cũng chẳng thể nào nói ra hết được, cứ mỗi lần nhắc đến lòng lại nghẹn ngào.
Tôi nhớ hình như lần cuối được nghe Cha nói thương tôi là từ lúc còn bé xíu, khi ấy tôi thường hay hỏi: “Cha, cha có thương con không?” Cho đến tận bây giờ tôi chưa nghe lại được một câu nào giống vậy và Cha cũng chưa từng được nghe được câu rằng: “Con thương Cha nhiều lắm!” Tôi đọc được đâu đó rằng người ta bảo nhau hãy nói ra những lời yêu thương khi còn có thể, nhưng với tôi thì khác, với gia đình tôi lại càng khác... Tôi không phải không nói được mà chẳng còn Cha ở đó để lắng nghe...
Tại sao cuộc gặp gỡ giữa hai Cha con mình lại ngắn ngủi thế Cha? Tất cả có phải là do ông trời sắp đặt? Cuộc đời con chỉ được ở gần Cha chừng ấy năm mà thôi… Sự ngây thơ, hồn nhiên của đứa trẻ bốn tuổi tay cầm di ảnh, đến cạnh mộ để nói lời tạm biệt người anh hùng của đời mình. Người yêu thương, bao bọc con cả đời này vô điều kiện… Khi đó, chỉ biết đơn giản rằng Cha mình đã rời đi không còn bên cạnh nữa. Đến khi con nhận ra đó là sự mất mát lớn nhất của một đời người thì đã hơn hai mươi năm rồi… Hai mươi năm không phải một con số ngắn, mỗi ngày con càng thấm dần nỗi đau của sự mất mát này…

Ảnh minh hoạ
Ngày không còn Cha cuộc sống của con và Mẹ khó khăn hơn biết bao nhiêu lần! Cha ơi, đến giờ con mới hiểu và thấm từng chữ trong câu nói: “Còn cha gót đỏ như son/ Đến khi cha thác gót con đen sì”. Nhớ ngày Cha còn, mỗi buổi chiều đến Cha cùng con ra trước nhà chơi đùa và Cha hay cõng con trên lưng, dang hai tay để làm cánh bay lên cao. Tấm lưng của Cha thật rộng, còn con thật nhỏ bé nằm gọn trên người của Cha. Ký ức đó luôn được con cất ở trong tim, sau này, con có lục tìm hết thế giới này cũng chẳng tìm được người có tấm lưng như Cha.
Có đôi lần con chợt thấy rất tủi thân khi đám bạn có Cha đưa đón đi học mỗi khi trời mưa. Còn con thì chỉ một mình đạp xe đến trường mỗi ngày cho dù trời nắng hay mưa. Mỗi khi như vậy con chỉ biết tự an ủi mình, phải cố gắng thật nhiều. Ngày Cha không còn nữa, mọi gánh nặng của cuộc đời đè lên đôi vai của Mẹ. Mẹ phải một mình bươn trải, vật lộn với cuộc sống ngoài kia để nuôi cho con khôn lớn. Con chưa bao giờ nghe Mẹ than vãn điều gì, bản thân con chỉ biết cố gắng, cố gắng học thật tốt để công sức của Mẹ không bị uổng phí.
Cha có biết rằng, những người hàng xóm hay nói: “Phải mà Cha còn sống, thì giờ chắc hai mẹ con sung sướng lắm!”. Có lẽ, họ cũng thương cho hoàn cảnh nhà mình. Nhưng con lại thấy sao thật buồn trong lòng mỗi khi nghe câu nói đó, chắc Mẹ cũng vậy… nhưng không để lộ ra bên ngoài. Mẹ đã thay Cha làm tất cả vì con, Mẹ vừa làm Mẹ cũng vừa làm Cha, Mẹ luôn cố gắng cho con được mọi thứ. Nhưng con cần nhất đó chính là Cha và Mẹ cũng cần Cha. Cha có biết, không có người phụ nữ nào mạnh mẽ trên cuộc đời này hết, chỉ là họ cố tỏ ra mạnh mẽ. Giá như Cha còn sống trên đời này thì Mẹ đâu phải khổ như vậy…
Hơn hai mươi năm, nhưng mỗi khi nhớ lại con chỉ tưởng chừng như mới đây thôi. Ngày lên Đại học, con lại thấy khó khăn nhiều hơn. Con ước rằng còn Cha để lo cho con, con không phải vừa học vừa đi làm thêm cả những ngày thi. Nhưng con biết dù con có ước bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ Cha trở lại.
Kể từ ngày hôm ấy, Cha vĩnh viễn rời khỏi thế gian này. Mọi chuyện theo thời gian giờ đây chỉ là dĩ vãng. Chẳng còn những thăm hỏi, người ta cũng lãng quên Cha. Chỉ có con và Mẹ nhớ Cha mãi một đời. Sau này, dù con có làm bất kì chuyện gì cũng nghĩ đến Cha, chỉ với mong muốn được Cha nhìn thấy, san sẻ với con cho dù đó là chuyện vui hay chuyện buồn.
Mỗi bước chân không Cha bên cạnh, có quá nhiều chông chênh, trắc trở và đôi lúc con thèm một bờ vai để dựa vào, thèm tiếng gọi Cha nồng nàn. Nhưng chỉ biết cố giấu hết vào lòng… Cha ở nơi đó hãy yên tâm nhé! Chỉ đôi lúc con nhớ Cha nên buồn một chút nhưng con sẽ cố gắng thay Cha chăm sóc cho Mẹ và sống thật tốt như những ngày tháng sau này, để cha luôn tự hào về con! Con gái yêu Cha nhiều lắm!
Cha ơi!!!
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Họ và tên: Nguyễn Thị Huỳnh Thanh
Địa chỉ liên hệ: Ấp Vĩnh Quới, Thị Trấn Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ.
Quà 8/3 tặng mẹ cảm động giúp ngày lễ trở nên ý nghĩa
Việc chọn quà 8/3 tặng mẹ cảm động không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn làm ấm lòng và mang lại niềm vui cho đấng sinh thành.
Các gia đình "vượt khó" khi kinh tế eo hẹp
Công việc gặp khó khăn, giảm thu nhập, một số mặt hàng thiết yếu tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình hiện nay. Với sự chu đáo, đảm đang, nhiều chị em khéo léo tính toán, vận động người thân cùng thực hành tiết kiệm, nỗ lực duy trì chất lượng cuộc sống.
Vì sao mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu tồn tại bất chấp thời đại?
Tiến sĩ Madeleine A. Fugère - GS Tâm lý học xã hội tại Đại học Bang Eastern Connecticut (Mỹ) đã chia sẻ những lý do bất ngờ đằng sau mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Giảm 37% nguy cơ tử vong nhờ... trông cháu
Dành thời gian cho trẻ nhỏ có thể giúp ông bà minh mẫn, vui vẻ và thậm chí khỏe mạnh hơn về lâu dài.
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế nào và giải tỏa cảm xúc nóng giận một cách hiệu quả ra sao.
Bắt nhịp sau Tết
Sau những ngày Tết vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, người lớn trở lại với công việc, trẻ em đến trường. Nhanh chóng lấy lại sức khỏe, cũng như rèn luyện con cái vào nền nếp, thích nghi với môi trường đi học là điều phụ huynh quan tâm. Để đầu năm được thuận lợi, suôn sẻ, các gia đình có sự chuẩn bị chu đáo, giữ tâm trạng vui vẻ, lan tỏa năng lượng tích cực, cùng nhau nỗ lực học tập, làm việc tốt hơn.
Cúng ông Công ông Táo sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp được không?
Nhiều người cho rằng việc cúng ông Công ông Táo phải thực hiện trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên chuyên gia lại phân tích điều ngược lại.