Ngày đầu tiên đi học
(NSMT) - Buổi tối trước ngày khai trường, mẹ tôi ngồi bọc sách vở bằng báo cũ. Không đủ báo, mẹ lấy cả vỏ bao xi măng làm “áo mới” cho những quyển sách giáo khoa cũ do chị họ tôi để lại. Bên ngoài dán nhãn, ghi rõ họ tên, trường lớp. Cầm quyển vở mới còn thơm mùi mực lẫn mùi báo cũ, cảm giác yêu thương con chữ đầu đời theo tôi mãi đến giờ.
Ngày này 36 năm trước, sau 2 năm học mẫu giáo ở nhà kho hợp tác xã, tôi chính thức bước chân vào lớp 1. Làng tôi ven biển, bao đời bị “ám” bởi câu tục ngữ: “Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp” nên trẻ em khi đó phải 8 - 9 tuổi mới đến trường, nhiều đứa không theo học mẫu giáo. Chúng phải ở nhà trông em vì nhà nào cũng phải 5 - 7 đứa lít nhít. Theo ngư dân quê tôi, phải đông con nhiều cháu mới có người đi biển và làm ruộng. Thiếu cá, thiếu thóc thì đói chứ thiếu chữ không thể chết. Thế nên trong số bạn bè vào lớp 1 năm ấy, tôi là đứa nhỏ tuổi nhất.
Nhỏ tuổi nhất nhưng ngày khai trường lại “cõng” chiếc cặp to nhất. Chính xác là chiếc ba lô cũ của bố tôi gửi về từ miền Nam trở thành chiếc cặp đầu đời. Chiếc ba lô màu xanh lá cây đã sờn bạc được bà nội phủ bụi, giặt sạch, phơi khô trước đó cả tuần.
Buổi tối trước ngày khai trường, mẹ tôi ngồi bọc sách vở bằng báo cũ. Không đủ báo, mẹ lấy cả vỏ bao xi măng làm “áo mới” cho những quyển sách giáo khoa cũ do chị họ tôi để lại. Bên ngoài dán nhãn, ghi rõ họ tên, trường lớp của tôi. Cầm quyển vở mới còn thơm mùi mực lẫn mùi báo cũ, cảm giác yêu thương con chữ đầu đời theo tôi mãi đến sau này.
Lúc đó, trẻ em đi khai trường chưa có bóng bay, cũng không có cờ tổ quốc bán sẵn như bây giờ. Ông nội tôi bằng cách nào đó đã tiết kiệm một chút giấy làm vàng mã từ Rằm tháng Bảy để kết cho cháu trai một lá cờ đỏ thắm. Ông bảo, vẫn còn một ít giấy để dành đến tết Trung thu làm đèn kéo quân đi chơi trăng ngắm chị Hằng với chú Cuội.
Trong buồng, mẹ tôi cặm cụi bên chiếc bàn là được làm nóng bằng than củi để là phẳng lại bộ quần áo để dành từ dịp Tết Nguyên Đán cho tôi mặc đi khai trường. Dưới bếp, bà nội đang ngâm gạo nếp và đậu đen. Bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói: “Sáng mai nghỉ một bữa khoai xéo, bà đồ xôi đậu cho cháu ăn để học hành đỗ đạt”. Lúc đó tôi chẳng hiểu đỗ đạt là gì, chỉ vui vì ít nhất cũng không phải lặp lại điệp khúc ăn sáng bằng khoai lang. Cũng chẳng hiểu sao bà tôi dù không biết chữ nhưng lúc nào cũng nói chuyện đỗ đạt và đọc Truyện Kiều lanh lảnh khắp nhà.
Đêm hôm đó, tôi đi ngủ muộn, trong giấc mơ chập chờn màu áo trắng tung tăng trên sân trường. Sáng tỉnh dậy, tôi thấy bà đã nắm sẵn 2 nắm xôi, một nắm đưa cho tôi ăn, nắm còn lại bà bỏ vào ba lô, dặn tôi khai giảng xong thì ăn cho đỡ đói.
Sách vở, bút chì, que tính và cả lọ mực Cửu Long được mẹ tôi cho hết vào chiếc ba lô. Mẹ bảo, dù hôm nay khai giảng không phải tập viết nhưng con nên mang cặp, sách đến trường để lấy may. Sách vở sẽ theo con suốt những năm học nên ngày khai trường phải mang theo nó bên mình. Tôi chưa đủ lớn để hiểu ý nguyện của mẹ nhưng cũng cảm thấy thích vì sẽ có dịp khoe chiếc ba lô với lũ trẻ cùng xóm. Chúng nó chắc gì đã có áo trắng và chiếc ba lô độc đáo như tôi.
Đường từ nhà đến trường chừng 2 cây số. Từ sáng sớm, lũ bạn đã í ới gọi nhau đi khai trường. Hồi đó, bố mẹ phải ra đồng, ra biển sớm nên trẻ con tự đến trường, kể cả ngày khai giảng. Mấy đứa bạn, tối qua còn cởi trần lùa nhau đánh trận giả, sáng nay cũng xúng xính quần áo mới, nô nức đến trường. Thằng Lâm, 8 tuổi, quần ống thấp, ống cao, bế cả đứa em gái 2 tuổi theo. Em nó mặt chưa kịp rửa, thò lò mũi xanh, ngủ gà ngủ gật, thi thoảng lại khóc thét lên.
Sáng mùa thu, gió nhè nhẹ, chúng tôi dắt tay nhau đến trường. Thi thoảng, các bà, các cô đang nhổ cỏ, tát nước dưới ruộng lại ngước cổ lên trêu: “Này đám nhất quỷ nhì ma! Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp”. Lũ chúng tôi, có đứa bĩu môi ra vẻ các bà, các cô lạc hậu lắm. Còn tôi, lúc đó chỉ tủm tỉm cười. Tôi vẫn chưa quen cảm giác mặc quần áo đẹp đến trường.
Sau khoảng 30 phút cuốc bộ, ngôi trường cũng hiện ra. Trường tôi mái ngói đỏ tươi, bao quanh là cánh đồng lúa bát ngát. Giữa sân trường, lần đầu tiên tôi thấy một cái sân khấu lớn đến vậy. Sân khấu được ghép từ luồng và ván, phía dưới kê gạch vồ (loại gạch màu trắng được làm bằng xôi, xỉ và cát). Trên phông chính của sân khấu được cột vào một cây bàng đã trổ lá đỏ trưng dòng chữ: “Lễ khai giảng năm học mới 1986 – 1987”. Phía dưới là tượng Bác Hồ được đặt trang trọng trên bục gắn đài hoa sen.
Chúng tôi ngay ngắn xếp hàng ở sân trường dưới tán cây bàng, cây phượng. Trên sân khấu giọng một người đàn ông cao gầy, đeo kính trắng trầm ấm cất lên mở đầu cho buổi lễ. Sau này tôi mới biết, đó là thầy hiệu trưởng. Theo như các anh chị lớp trước, đó là người… to nhất trường, to hơn cả lớp trưởng và cô giáo chủ nhiệm. Hồi trống khai trường thầy hiệu trưởng đánh vang xa đến tận cánh đồng lúa, nơi các cô, các bà vừa trêu chúng tôi là lũ nhất quỷ nhì ma.
Tôi nhận ra người anh họ đang đóng vai anh Kim Đồng trong một vở kịch chào mừng năm học mới. Anh tôi hôm nay oai quá! Anh đội chiếc mũ nồi, vai đeo túi vải, tay cầm chiếc lồng chim trông rất chững chạc. Tôi gọi mãi mà anh không nghe! Tôi toan chạy lên sân khấu gọi anh nhưng cô giáo kịp giữ lại. Cô nói: “đó là anh Kim Đồng, người anh hùng nhỏ tuổi không phải anh họ của em đâu”. Giải thích của cô giáo cũng không thuyết phục được tôi. Rõ ràng đó là anh Tuấn, anh họ tôi, người vẫn cùng tôi buổi chiều thả diều trên bờ biển.
Lễ khai giảng vừa tan, tiếng bóp kèn bán kem inh ỏi xen lẫn tiếng rao: “Ai kẹo kéo đi” náo loạn cả sân trường.
Thằng Thành, em con chú nhưng học trên tôi 2 lớp gom tiền nhặt ve chai, đồng nát mua được một que kem. Nó không ăn ngay mà cầm “nhem nhem” khiến cho nhiều đứa thèm nhỏ dãi. Thành vừa cầm que kem vừa chạy vừa mút vừa xuýt xoa. Chốc chốc nó dừng lại, giả đút kem cho bạn nhưng kem chưa vào miệng nó lại rút ra khiến bọn trẻ một phen chưng hửng. Phải đến khi người đàn ông đeo băng đỏ ở tay phải mà sau này tôi mới biết đó là bác bảo vệ xuất hiện thì trật tự mới được vãn hồi.
Sau này, từng đi qua hàng chục mùa khai trường nhưng ký ức về ngày đầu tiên đi học vẫn theo tôi mãi. Để rồi cứ đến đầu tháng 9, mỗi lần nghe tiếng trống trường, lòng tôi lại nao nao.
“Cái trống lặng yên
Nghiêng đầu trên giá
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá.
Kìa trống đang gọi
Tùng tùng tùng tùng!
Vào năm học mới
Giọng vang tưng bừng”
(Trích bài thơ “Cái trống trường em” của nhà thơ Thanh Hào)
Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.
Sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc tại Cà Mau: Nhớ cây vú sữa miền Nam gửi tặng Bác Hồ
(NSMT) - Những ngày gần đây, Cà Mau đang chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, nhằm tái hiện về lịch sử, vùng đất, con người, đấu tranh cách mạng hào hùng giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương tỉnh.
Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Cà Mau
(NSMT) - Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký quyết định công nhận xếp hạng Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam là di tích lịch sử cấp tỉnh tại ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.
Nhạc Ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng
(NSMT) - Một điểm nhấn sẽ tạo sự quan tâm của du khách tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, diễn ra từ ngày 9 - 15/11/2024 là trình diễn nhạc Ngũ âm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam được xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam. Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Người xưa kiêng điều gì trong dịp Trung thu?
Người xưa cho rằng Tết Trung thu trăng sáng nhất nên âm khí dễ vượng. Do đó có thể sẽ đem lại những điều không tốt nên truyền tai nhau những điều cấm kỵ.
Mùa trăng tròn Trung thu cùng những hồi ức về chiếc lồng đèn tự chế
(NSMT) - Mỗi dịp Trung thu đến gần, không khí rộn ràng của lễ hội ánh trăng lại tràn ngập khắp nơi. Những ánh đèn lồng lung linh, những tiếng cười của trẻ em và những mâm cỗ đầy ắp bánh trung thu tạo nên một bức tranh sống động của mùa lễ hội. Nhưng trong lòng nhiều người, đặc biệt là những ai đã trải qua tuổi thơ ở những vùng quê, có một hình ảnh đặc sắc hơn cả là chiếc lồng đèn tự chế.
Vui Trung thu cùng cuộc thi làm lồng đèn "Ánh đèn tuổi thơ năm 2024"
(NSMT) - Cuộc thi làm lồng đèn "Ánh đèn tuổi thơ năm 2024" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đêm hội trăng rằm - San sẻ yêu thương do Văn phòng đại diện Tạp chí Gia đình Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức vào ngày 15/9 sắp tới tại Công viên Lưu Hữu Phước (TP Cần Thơ).