Nếp nhà

Pá à! Nhớ mé, nhớ chúng con thì pá về nhé

Thứ bảy, 20/05/2023, 17:01 PM

Tối nào con cũng ước sẽ được gặp pá trong giấc mơ, được pá hát ru như ngày còn thơ bé… Pá à, nếu nhớ mé, nhớ chúng con thì pá nhớ về nhé.

Ứ noọng nòn

Nòn đắc nòn đí

Nòn thả pí au qua

Nòn thả à au luổm

…..

Ứ hừ à…

Pá à! Mỗi khi được nghe lời ru quen thuộc này, con nhớ pá biết chừng nào. Pá có nhớ hồi bé, trước khi hai chị em con ngủ bao giờ cũng bắt pá hát ru không? Nhưng pá không biết đó thôi, thực ra bọn con vẫn chưa ngủ mà nằm im nghe pá ru. Cứ như vậy tụi con giả vờ ngủ, và lớn lên bằng chính lời ru trầm ấm, đậm tình yêu thương đó của pá.

Mùa đông ở bản mình rét lắm pá nhỉ. Trên những mái nhà lờ mờ sương muối, chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Chỗ nào cũng buốt như đá nằm phơi sương, chỉ bếp lửa là nơi ấm nhất. Chị em con chẳng dám đi ngủ trước sợ lạnh. Lúc nào tắm rửa xong pá cũng bảo hai đứa xuống bếp sưởi ấm, còn pá lên giường nằm trước để ủ chăn. Tuổi thơ con chỉ nhớ đến hơi ấm của pá. Chúng con gọi pá là chiếc lò sưởi.

Con nhớ hồi đó, hai chị em con vì quả trứng gà, trứng vịt nên hay cãi nhau, thậm chí có lúc đánh nhau. Pá luôn là người đứng ra phân xử. Tính con ngang bướng và có phần đanh đá hơn chị, nên mỗi khi tranh giành nhau thứ gì, con luôn được phần thắng. Pá có bực mình mỗi khi trước lúc ngủ chị em con lại tranh giành pá không? Con thì đòi nằm bên trái để được pá ôm, chị cũng vậy, chẳng ai nhường ai. Và cách pá phân giải là pá sẽ nằm giữa. Hai đứa hai bên và ai cũng được pá ôm. Vì thế, mùa đông ở núi dù tái tê đến mấy thì cũng sẽ đi qua nhẹ nhàng mà chúng con chẳng bao giờ sợ lạnh.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Pá giỏi thật đấy. Chẳng những hát ru hay mà pá còn kể rất nhiều chuyện nữa. Cho đến bây giờ bọn con cũng không nhớ mình đã thuộc lòng bao nhiêu câu chuyện pá kể. Từ truyện cổ tích Tấm Cám, truyện Cây khế đến cả sử thi Khảm Hải của người Tày. Chị em con cũng nhớ từng chi tiết. Nhưng tối nào cũng đòi hát ru, kể chuyện nên kho tàng của pá cũng hết. Có hôm pá bảo, “pá sẽ kể một câu chuyện cổ tích dài nhất thế giới”.

Nghe đến đó chị em con thích lắm. “Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một ông vua, dẫn một đoàn tuỳ tùng vào trong rừng, ngồi trên một phiến đá kể chuyện ngày xửa, ngày xưa có một ông vua, dẫn một đoàn tuỳ tùng vào trong rừng ngồi trên một phiến đá kể chuyện ngày xửa, ngày xưa…”.

Pá còn nhớ, mỗi khi nghe đến đoạn: Ngày xửa, ngày xưa có một ông vua, dẫn một đoàn tuỳ tùng vào trong rừng ngồi trên một phiến đá… là chị em con lại đồng thanh: "Con không thích nghe câu chuyện đó nữa” không?

 Cố một kỷ niệm mà không biết pá có nhớ không lúc con chỉ độ tám, chín tuổi vào một buổi trưa mùa hè, tiết trời rất oi ả. Cả nhà ta ngồi quây quần bên mâm cơm. Pá cởi trần, mặc quần soóc ăn cơm. Thấy vậy, con cũng bắt chước cởi trần và tìm chiếc quần đùi mé mới tận dụng từ chiếc khăn cũ khâu cho mặc vào như pá. Cả nhà nhìn con phá lên cười.

Chị bảo: “Nhà mình không có con trai nên em thích làm con trai à?”. Riêng pá hiền từ giải thích: “Con là con gái, còn pá là con trai. Con trai có thể mặc vậy không sao, nhưng con gái mà mặc như vậy là không nên con ạ! Mai này con lớn, thành thiếu nữ, con sẽ hiểu tại sao con gái cần kín đáo”. Lúc đó con cũng chưa hiểu gì, nhưng cũng nghe theo và mặc chiếc áo vào, thay chiếc quần khác.

Con biết pá rất hiền, gần như không mắng chửi bọn con bao giờ. Nếu chúng con có hư pá cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Pá dặn, không nên to tiếng. Lời nói to sẽ giống như cái kim đâm vào tay không nhìn rõ vết nhưng lại rất đau. Chúng con lớn lên từ chính những lời dạy bảo như thế của pá. Pá có một cái tài rất khéo đó là biến những câu dạy hằng ngày thành lời ru. Sau này khi chúng con lớn pá mới bảo như vậy các con sẽ nhớ nhanh và lâu hơn.

Những ngày phải vật lộn với căn bệnh nan y pá trăn trở nhiều điều phải không pá? Nhất là về việc giữ gìn bản sắc văn hoá người Tày. Con thấy pá lúc nào tâm trạng tốt hơn chút thì lại lấy giấy ghi chép điều gì đó. Có lúc con lén nhìn thấy pá rơi nước mắt. Khi con gặng hỏi pá chỉ cười hiền lắc đầu. Căn bệnh ung thư gan hành hạ pá suốt hai năm trời. Con là người gần pá nhất nên thấu hiểu những cơn đau pá phải gánh chịu. Có những hôm con tiêm cho pá đến bốn mũi moóc phin để giảm đau. Nhưng tuyệt nhiên pá không một lời than. Những lúc vậy pá có biết trái tim con đau thế nào không?

Dường như pá biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều. Hôm pá đưa cho con mấy quyển vỡ cũ và bảo: “Đây là những gì về bản sắc của người Tày mình pá tự ghi chép lai. Con giữ lấy sẽ có lúc cần dùng đến”. Lúc đó con xúc động lắm nhưng không dám khóc trước mặt pá. Con lật giở từng trang. Trong những trang vở cũ, là những câu tục ngữ, ca dao, thành ngữ bằng tiếng Tày. Có cả những bài hát ru mà pá vẫn thường hát cho chị em con khi bé. Con ôm chầm lấy pá là lúc con không sao kiềm nổi lòng mình. Lâu lắm rồi con không ôm pá.

Pá gầy đi nhiều quá, làn da sạm và nhăn nheo vì hoá chất. Hơi thở mỏi mệt và giọng nói yếu hơn xưa nhưng vẫn đều đều. Con nhận thấy hơi ấm pá đã vơi dần, không còn như cái lò sưởi năm nào của chị em con nữa. Có phải khi đó sợ con nhận ra sự thay đổi quá lớn đó nến pá vội vỗ vai an ủi con “ Lớn rồi mà còn khóc, không sợ trẻ con cười à?”. Pá ơi, được ở trong lòng pá là niềm hạnh phúc vô bờ mà bấy lâu con đã quên đi cảm giác đó. Con không quan tâm ai cười, con chỉ muốn níu giữ mãi khoảng khắc được ở trong lòng pá như ngày xưa …

Pá ơi, làm sao chúng con có thể quên được ngày định mệnh đó. Như mọi khi con giúp pá vệ sinh cá nhân xong, chợt pá bảo muốn ăn bánh tải. Con cẩn thận đút cho bá ăn hết một chiếc. Nhìn pá ăn ngon lành lòng con vui lạ kỳ. Rồi pá nằm im lặng hồi lâu. Mắt nhìn trân trân lên trần nhà, bất giác pá bảo “Đưa pá về thôi, pá muốn về”.

Con chợt linh cảm được điều chẳng lành. Nhưng vẫn cố gắng nói: “Pá đang ở nhà rồi mà, đây là nhà mình pá ạ!” Pá khẽ khẽ gật đầu. Đôi mắt pá dại đi rồi dần dần khép lại. Con cầm bàn tay vẫn còn chút hơi ấm của pá đưa lên má. Hơi ấm đôi bàn tay đã ôm ấp, vỗ về, ru con suốt chặng đường tuổi thơ đó lạnh dần, lạnh dần rồi tuột khỏi tay con. Con sợ lắm pá biết không? Con đã gào lên trong tiếng mưa tầm tã. Ngoài kia bao nhiêu nước mưa như chỉ trực chờ trút xuống trong giây phút tiễn đưa pá về cõi mây ngàn.

Pá đi rồi căn nhà trống trải và như rộng thêm ra. Mé vào ra không biết trời tối lúc nào. Ngày nào mé cũng ngồi trước bàn vị hỏi pá thích ăn gì để mé nấu. Rối lại nói chuyện với bàn vị cả buổi, chuyện gì mé cũng kể cho pá nghe. Nhìn mé như vậy chúng con càng thương nhớ bá nhiều hơn. Tối nào con cũng ước sẽ được gặp pá trong giấc mơ, được pá hát ru như ngày còn thơ bé… Pá à, nếu nhớ mé, nhớ chúng con thì pá nhớ về nhé. Chúng còn chờ pá mỗi đêm.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"

Tác giả: Muồng Hoàng Yến

Địa chỉ liên hệ: Trường THCS - THPT Nà Phặc - Ngân Sơn - Bắc Kạn

Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"

Yêu cầu

- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.

- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…

Đối tượng dự thi

- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi

- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.

- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.

Thời gian nhận bài thi

- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.

- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.

Địa chỉ nhận bài thi

- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].

- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).

Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

Thông tin liên hệ

Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.

Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).

Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định

Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!

Ban Tổ Chức  
Giải trí ảo, hậu quả thật

Giải trí ảo, hậu quả thật

Hiện nay, sử dụng mạng xã hội là hình thức giải trí phổ biến, nhất là đối với chị em phụ nữ. Các chị lên mạng cập nhật kiến thức, mở rộng quan hệ, kết giao bạn bè, nhiều chị đầu tư viết nội dung, xây dựng hình ảnh trên trang cá nhân thật lung linh để có like… Và rồi không ít trường hợp bị các thiết bị công nghệ cùng thế giới ảo chi phối quá mức, xao nhãng trách nhiệm đối với người thân, gây bao hệ lụy…

Khi mẹ là cô giáo

Khi mẹ là cô giáo

Chiến tranh kết thúc, mẹ tôi rời quân ngũ về làng rồi trở thành cô giáo. Làm con của cô giáo khiến tuổi thơ của tôi nhà cũng là trường mà trường cũng là nhà. Áp lực phải học giỏi, phải ngoan vì là con của cô giáo khiến tôi nhiều phen không còn là một đứa trẻ.

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Hơn nửa thế kỷ đắp xây hạnh phúc

Cưới nhau từ năm 1973, ông Võ Văn Hai và bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) là tấm gương về xây dựng gia đình văn hóa, con cháu thành tài. Hơn nửa thế kỷ qua, họ đã nắm tay nhau vượt qua gian khó để cùng đi đến bến bờ hạnh phúc.

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tài sản lớn nhất cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách

Tục ngữ có câu: “Ba tài sản lớn nhất của cuộc đời là người vợ xấu, đất cằn và chiếc áo bông rách”, nó chiếm bao nhiêu trong cuộc đời còn lại của bạn?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?

Xu hướng trang trí lát sàn gỗ từng rất phổ biến nhưng hiện nay nhiều gia đình không còn lựa chọn. Sàn gỗ có chăng chỉ được lắp trong phòng ngủ, các phòng khác đều được lát gạch men.

Về nhà - về với yêu thương

Về nhà - về với yêu thương

Ðối với nhiều người, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn mang giá trị tinh thần đặc biệt. Ðó còn là gia đình với sự bao dung, chở che, nâng đỡ và trách nhiệm dành cho nhau. Cuộc sống đôi khi phải đối mặt với khó khăn, thử thách... những lúc ấy, điểm tựa lớn nhất không đâu khác mà chính là mái nhà và những người thân yêu của mình.

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?

Với sự thay đổi trong lối sống và sự đa dạng hóa nhu cầu sinh hoạt, phòng ngủ chính có phòng tắm có còn đáp ứng được nhu cầu của các gia đình hiện đại hay không và nên giữ lại hay loại bỏ đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.