Xưa - Nay

Tấm lòng nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học đối với Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Chủ nhật, 03/07/2022, 13:48 PM

Yêu mến, ngưỡng vọng cụ Ðồ Chiểu, nghệ nhân thư pháp Vũ Ðăng Học đã dành trọn tâm huyết và tài hoa để thực hiện quyển sách thư pháp có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Bến Tre, trao tặng Thư viện Nguyễn Ðình Chiểu.

Nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học và quyển sách thư pháp khổ lớn về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Thanh Đồng

Nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học và quyển sách thư pháp khổ lớn về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Thanh Đồng

Tấm lòng nghệ nhân

Vũ Đăng Học, sinh năm 1985, là một nhà thư pháp trẻ, đầy tài năng của thư pháp Việt. Đến với thư pháp gần 20 năm, Đăng Học đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Anh cũng từng chia sẻ trong một phỏng vấn: “Thư pháp đối với tôi không phải như là một cần câu cơm. Bởi vì, thư pháp không phải là cái nghề của tôi mà là một cái nghĩa sẽ theo tôi đến suốt cả cuộc đời”.

 Mang tâm tình đó, Vũ Đăng Học đã mở các lớp giảng dạy về thư pháp, viết sách về thư pháp để truyền đạt, gieo mầm tình yêu nghệ thuật thư pháp chữ Quốc ngữ đến với mọi người, nhất là các bạn trẻ. Anh cũng không ngừng thử thách mình thông qua những tác phẩm nghệ thuật thư pháp nổi bật và những quyển sách thư pháp khổ lớn, đóng góp cho nền nghệ thuật thư pháp nước nhà. Điển hình như quyển sách thơ - thư - họa mang tên “Cái nhìn”, gồm tổng hợp các bài thơ do chính anh sáng tác. Hay quyển thư pháp kinh Pháp cú có kích thước lớn.

Nghệ nhân thư pháp Vũ Đăng Học có mối duyên gắn bó với Bến Tre từ những hoạt động văn hóa, biểu diễn, triển lãm về thơ Nguyễn Đình Chiểu. Qua những lần đến nơi cụ sống và qua đời đã nung nấu trong lòng anh sự cảm mến, kính trọng. Anh chia sẻ: “Trong cuộc sống, tư tưởng và hình ảnh của cụ Đồ Chiểu luôn bên cạnh tôi. Tại nơi làm việc của mình, tôi cũng lấy 2 câu thơ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của cụ Đồ Chiểu làm tiêu chí, châm ngôn cho mình. Tôi là người cầm bút thì tự nhủ mình không thể viết nhanh, viết tùy tiện mà ngọn bút phải luôn tải đạo và bảo vệ nghĩa nhân”.

  Nhân sự kiện kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, với tất cả tấm lòng của người dân đều hướng về cụ Đồ Chiểu, nghệ nhân thư pháp Đăng Học cũng mong muốn làm một chút gì đó với khả năng của mình để làm nên quyển sách tôn vinh những giá trị văn hóa của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Lên ý tưởng từ cách nay 1 năm, cũng là thời điểm cao điểm của dịch Covid-19, anh đối mặt với trở ngại lớn nhất là thiếu nguồn nguyên, vật liệu. Anh kể lại: “Do loại giấy dùng trong quyển sách này là giấy xuyến chỉ và cả vải gấm bồi đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên trong thời gian dịch bệnh, nguồn cung rất khó khăn. Chúng tôi phải liên hệ bạn bè, người quen trong nước để mượn vật liệu sau đó sẽ trả lại cho họ sau. Bên cạnh đó, việc thể hiện thư pháp trên một tờ giấy khổ lớn thì rất khó vì tầm tay của mình có giới hạn, khi viết chỉ có thể bao quát một khoảng nào đó, nhưng để khi hoàn thành tổng thể thì làm sao cho bố cục cân bằng, có điểm nhấn và hài hòa với nhau là một thử thách với những người viết thư pháp. Trong quá trình thực hiện, tôi đã phải bỏ đi những bản viết mà mình chưa ưng ý để có được những trang thư pháp mà đối với tôi là chỉn chu nhất, trọn vẹn nhất để hoàn thành tác phẩm này”.

Khi làm quyển sách, anh muốn kích thước quyển sách đủ lớn để xứng với tầm vóc của cụ. Cũng vì muốn xác lập kỷ lục thế giới, nên anh đã chọn kích thước lớn nhất so với những quyển sách mà anh từng làm trước nay.

Sau khi hoàn thiện ý tưởng, nội dung, Đăng Học chính thức bắt tay vào thực hiện quyển sách khoảng 5 tháng. Trong đó, có 2 tháng để chuẩn bị nguyên liệu và 3 tháng dành toàn bộ thời gian, tâm trí cho phần viết. “Có một kỷ niệm là tôi không lường được độ nặng của quyển sách. Trước đây, những quyển sách tôi làm có kích thước nhỏ hơn, số trang ít hơn cũng như chất liệu giấy mỏng hơn. Còn lần này, tôi dùng loại giấy khổ lớn, tốt nhất, dày nhất. Sau khi phần vỏ hộp hoàn thành, chỉ còn việc mang ruột sách đặt vào trong hộp, khoảng cách từ chỗ kết các trang sách đến hộp chỉ có 2m, nhưng mất gần nửa tiếng để có thể nhích từng chút một. Vất vả lắm mọi người trong ê-kíp mới gắn được phần ruột sách vào hộp”, Đăng Học kể.

Công trình ấn tượng

Quyển sách thư pháp khổ lớn về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu do nhà thư pháp Vũ Đăng Học thực hiện và hiến tặng cho Bến Tre, có kích thước 1,8x1,4m, thêm chân đế sắt thì cao khoảng 2m, trọng lượng nặng khoảng 400kg. Về cấu trúc,  quyển sách gồm 209 trang thư pháp và thư họa được viết trên giấy xuyến chỉ bồi vải gấm vàng. Bìa sách là một vỏ hộp bằng gỗ sồi phối với gỗ gõ đỏ, được khắc chân dung cụ Nguyễn Đình Chiểu. Mặt trong là tác phẩm điêu khắc chữ “Đạo” dát vàng. Giá đỡ bằng sắt được thiết kế vững chắc để nâng đỡ quyển sách khi mở ra. Phần chân đế được lắp bánh xe để tiện di chuyển.

Trang lót đầu là biểu tượng cảm hứng từ 2 câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Trang lót 2 là tên quyển sách “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” của tác giả Vũ Đăng Học (Việt thư Chi bảo). Trang 3 là chân dung Cụ Đồ do tác giả Vũ Đăng Học họa. Trang 4 là tiểu sử Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Trang 5 và 6 là lời bạt của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Trang 7 giới thiệu về cuộc đời và những công đức của Cụ Đồ.

Trong nội dung chính, phần 1 giới thiệu “Nguyễn Đình Chiểu danh tác”, gồm: các bài thơ, câu thơ nổi tiếng của Cụ Đồ được nhiều người biết đến, các câu thơ trong tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên, các câu thơ trong tác phẩm Ngư tiều y thuật vấn đáp, các bài thơ lẻ và các bài văn tế.

Phần 2 là “Ngưỡng vọng Nguyễn Đình Chiểu”, với các bài thơ của hậu thế viết về cụ Đồ Chiểu, lời bạt tác giả Vũ Đăng Học sáng tác về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và các trang trống dành cho lãnh đạo, khách tham quan ký tên lưu niệm và ghi cảm nghĩ.

Chứng kiến Vũ Đăng Học đích thân cùng mọi người đỡ quyển sách lớn từ xe vào phòng trưng bày, dõi theo từng thao tác anh hướng dẫn cán bộ Thư viện Nguyễn Đình Chiểu cách mở sách, lật sách cẩn thận, chúng tôi cảm nhận được cái tâm và tình yêu của người nghệ nhân trẻ. Chia sẻ những tâm tình về tác phẩm nghệ thuật của mình, Vũ Đăng Học bày tỏ: “Quyển sách này của tôi tạo nên một phương tiện, dấu ấn để mọi người chú ý về quyển sách. Từ đó, họ sẽ đọc được những lời hay ý đẹp, tư tưởng nghĩa nhân mà cụ Đồ Chiểu truyền tải trong từng vần thơ. Nếu có cơ hội, tôi cũng muốn được xuất bản quyển sách này để mọi người có thể chiêm ngưỡng, thậm chí có thể dịch sang tiếng Anh để truyền bá rộng rãi về giá trị văn hóa Nguyễn Đình Chiểu”.

Thanh Đồng

Link gốc tại Báo Đồng Khởi

Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc

Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc

Mua vàng ngày vía Thần Tài nắm kỹ những điều này để hút tài lộc khi ngày vía Thần Tài năm Ất Tỵ 2025 rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch, ngày làm việc trong tuần.

Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?

Có nên mua vàng trước ngày Vía Thần Tài?

Ngày vía Thần Tài nhiều người thường có thói quen đi mua vàng nên thường xảy ra tình trạng chen chúc, giá tăng vọt. Vậy có thể mua vàng trước ngày vía Thần Tài hay không?

Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa

Giữ Tết truyền thống trong lòng con trẻ giữa thời đại số hóa

(NSMT) - Nhiều người cứ than thở Tết trong mắt con trẻ bây giờ “nhạt” lắm, chẳng còn háo hức và mong ngóng như xưa…

Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm

Tản mạn với làng nghề gạch - gốm trăm năm

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long có một sự kiện quan trọng, tiêu biểu: Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh Tế Xanh lần thứ nhất nhằm tôn vinh nghề gạch - gốm trăm năm tồn tại ở xứ này; qua đó quảng bá thương hiệu, đồng thời bảo tồn, phát huy di sản, kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng nghề độc đáo, hiếm có ở miền Tây Nam Bộ.

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

Độc đáo Lễ cúng Trăng của đồng bào dân tộc Khmer

(NSMT) - Lễ cúng Trăng là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với hoạt động đặc trưng là đút cốm dẹp, hay còn gọi là Oóc Om Bóc trong tiếng Khmer, lễ cúng Trăng còn được biết đến rộng rãi với cái tên Lễ Oóc Om Bóc.

Lung linh đêm hội sông Trăng

Lung linh đêm hội sông Trăng

(NSMT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần lễ VHTT-DL Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024, tối ngày 12/11, trên đoạn sông Maspero (tên khác là Nguyệt Giang, Sông Trăng), Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thi Lôiprotip (thả Đèn nước), trình diễn Đèn nước và ghe Cà Hâu. Đêm hội có sự góp mặt của 20 đèn nước và 5 ghe Cà Hâu đến từ các chùa trong tỉnh.

Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

Cà Mau: Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

(NSMT) - Ngày 12/11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành “Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa Miền Nam”. Buổi lễ được tổ chức vào Tuần lễ cao điểm với các hoạt động tái hiện 200 ngày Sự kiện Tập kết ra Bắc.