Văn hóa
Thứ ba, Ngày 08 Tháng 04 Năm 2025

Tình quê

Thứ bảy, 02/04/2022, 09:38 AM

Hồi xưa, thấy má làm bánh trang trải cuộc sống, cực khổ hết xiết, chị Khưu Thanh Kiều Em (sinh năm 1977, ngụ xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) không muốn theo nghề. Nhưng cuộc sống lận đận, cộng với cái tánh hay làm, 5 năm trước, rốt cuộc chị vẫn đeo mang công việc này. Theo nghề muộn, chị tạo khác biệt cho mình, bằng cách nhất quyết giữ lại tình quê trong từng chiếc bánh.

Nếp quê

Vượt qua 2-3 lớp nhà trong hẻm, mới đến nơi chị sinh sống. Góc bếp xíu xiu là nơi hàng ngàn chiếc bánh dân gian ra đời. Không có máy móc hiện đại, cũng chẳng có nồi niêu xoong chảo chất đống như cơ sở làm bánh chuyên nghiệp, chị làm đủ loại bánh bằng vật dụng nấu nướng hàng ngày, bằng đôi tay chai sạn mà khéo léo. Trợ thủ đắc lực nhất của chị là chiếc cối đá xay bột - được sản xuất năm 1986. Chiếc cối vẫn như mới, trừ con số khắc trên thân bị mài mòn theo thời gian, theo tần suất gắn bó với bàn tay con người.

Thời buổi này, ngoài chợ bán đầy đủ, không thiếu thứ gì. Máy móc làm thay tất cả, có tiền là mua được. Vậy mà, chị thờ ơ với bột gạo, bột nếp bán sẵn; cũng không dùng máy xay bột bằng điện. Chị như “mua dây buộc mình”, muốn làm theo nếp cũ. Mỗi lần có mối đặt bánh, dù nhiều dù ít, buổi chiều chị vo gạo, nếp cho sạch, rồi đổ nước vào ngâm cả đêm, đến sáng hôm sau đem ra xay. Lý do duy nhất chị đưa ra là “bột mình xay ăn ngon hơn”. Đơn giản vậy thôi!

Bà Thiêu tỉ mẩn xay bột

Bà Thiêu tỉ mẩn xay bột

Giữa bộn bề công việc và áp lực thời gian giao bánh cho khách, chị vẫn đủ kiên nhẫn cho bước đầu tiên này. Cối xay túc tắc từng vòng, chậm rãi “ăn” từng muỗng gạo, trả lại dòng bột trắng đục, mịn màng. Muốn bột “chín”, phải ngâm đủ lâu; biết cân đối giữa tỷ lệ gạo, nếp và tỷ lệ nước cho vào cối. Cách xay bột cũng phải học: Vòng thuận khá mỏi tay, nhưng gạo nhanh thành bột. Vòng nghịch, tay quay nhẹ tênh, mà gạo cứ nhởn nhơ y cũ. Xay càng chậm, càng đằm, càng đỡ mỏi tay, bột càng nhuyễn. Đâu phải xay xong là hết công chuyện! Lại đổ nước vào, xem như vừa “vét” bột, vừa rửa cối. Tất cả mọi thứ chảy xuống túi vải, chuyển sang công đoạn “bồng” bột (để khô nước, bẻ bột vào mâm phơi)… Bao nhiêu là tâm huyết cho một mẻ bột ngon đúng điệu ngày xưa!

Người quê

Chị Kiều Em học làm đủ loại bánh dân gian Nam Bộ (bánh ít, bánh bò, bánh khọt, bánh xèo…); bánh để cúng, bánh để đãi đám tiệc, bánh để ăn sum họp gia đình… không món nào làm khó được chị. Phía sau nhà là vườn chuối tươi tốt - nguồn nguyên liệu lá đẹp, lá sạch để chị gói bánh. Đến lúc nấu bánh, cũng dựa vào bếp củi, lửa tí tách quện đỏ góc nhà. Mùi hăng hăng của khói đâu thể nào áp đảo mùi thơm dịu của bánh. Cái chảo đổ bánh khọt đen bóng sau nhiều năm sử dụng, bị nứt một góc, chị chưa nỡ bỏ đi. Từng chút nhỏ ấy thấm sâu, khiến chiếc bánh đậm vị quê hơn bao giờ hết.

Nguyên nhân đưa chị trở lại nghề làm bánh, ngoài việc mưu sinh, còn vì đam mê hương vị truyền thống. “Dù thay đổi nhiều, nhưng vùng nông thôn vẫn có thói quen tự nấu để đãi đám tiệc. Mẹ tôi làm bánh chuyên nghiệp, ngon nổi tiếng hồi trước. Tới khi đi mua bánh của người khác, tôi thấy uổng quá, bởi tay nghề của họ không tới đâu. Hồi đó, má dạy thì tôi không chịu học, bây giờ tự mày mò, làm bánh theo công thức của mình, cũng tạm ổn. Tôi bắt đầu nấu đám tiệc trong nhà, dần dần nhận đặt hàng của người quen, hàng xóm. Riết rồi theo nghề luôn” - chị Kiều Em kể.

Các bạn trẻ học gói bánh

Các bạn trẻ học gói bánh

Một mình chị, dù “ba đầu sáu tay” cũng chẳng thể làm xuể, bởi chị còn đa đoan việc làm thuê, việc nhà. May sao, chị còn hàng xóm láng giềng. Thấy chị chịu thương chịu khó, vài phụ nữ nhàn rỗi chạy sang phụ một chút. Người ở quê, quen bếp núc đảm đang, công chuyện ràng ràng trước mắt, đâu chịu ngồi yên. “Khi nhiều nơi đặt hàng, mỗi lần vài trăm cái bánh, mọi người xúm lại, ai làm việc nấy. Xong xuôi hết, trừ chi phí ban đầu, lời bao nhiêu tôi chia đều cho từng người. Có ngày, mỗi người còng lưng làm bánh, coi lại chỉ được mấy chục ngàn đồng, nhưng mà vui!” - chị Kiều Em tâm sự.

Lúc chúng tôi đến, bà Trương Thị Thiêu đang loay hoay trong bếp. Bà cụ 74 tuổi có gương mặt rất hiền, nhiệt tình giải thích đủ câu hỏi của đám trẻ chúng tôi. Chuyện xưa, chuyện nay cuốn theo bàn tay thoăn thoắt nhồi bột, vò nhân, gói bánh, cuốn trôi cả mệt mỏi. “Hồi đó nghèo, tiền đâu mà mua bánh. Thèm món gì, cả nhà rủ nhau xay bột, nấu xong xúm xít lại ăn. Làm quần quật để kiếm cái ăn, tay chân ai nấy thô kệch. Đâu sướng như tụi con bây giờ, cuộc sống tốt hơn nhiều” - bà Thiêu nhớ lại. Hỏi chuyện “ngày xưa ông mê bà vì tài gói bánh phải không”, bà ngượng ngùng cho qua, còn mọi người cười rung góc bếp.

bánh ít

Chúng tôi trở lại phố thị, mang về mấy chiếc bánh ít tự gói. Chúng mập ốm, cao thấp chẳng giống ai, thời gian nấu kéo dài hơn so bình thường, nhưng hương vị thì khỏi chê. Nói như chị Kiều Em “phải bỏ công sức, đổ mồ hôi làm, ăn mới thấy ngon”. Với tôi, chiếc bánh còn chất chứa mong ước vượt lên cái khổ của người dân lam lũ, gắn bó tình người ở thôn xóm, cộng với tâm tư giữ một chút thương nhớ của ngày xưa.

GIA KHÁNH

Link bài gốc tại Báo An Giang Online

Học sinh Sóc Trăng đạt giải cao tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia

Học sinh Sóc Trăng đạt giải cao tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia

Ngày 21.3, tại Trường Đại Học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) đã diễn ra bế mạc Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025. Cuộc thi do Bộ GD&ĐT, UBND TP.Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tại cuộc thi này, học sinh Sóc Trăng đã xuất sắc đạt giải cao.

Cần Thơ: Trường THPT An Khánh tổ chức Hội thi Nét đẹp học đường lần thứ V năm 2025

Cần Thơ: Trường THPT An Khánh tổ chức Hội thi Nét đẹp học đường lần thứ V năm 2025

(NSMT) - Ngày 25/3, anh Thạch Quốc Phong - Bí thư Đoàn Trường THPT An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ cho biết, vừa tổ chức thành công Chung kết Hội thi Nét đẹp học đường Trường THPT An Khách lần thứ V năm 2025.

Cần Thơ: Trường THPT Châu Văn Liêm tổ chức hội trại Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Cần Thơ: Trường THPT Châu Văn Liêm tổ chức hội trại Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

(NSMT) - Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025), Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã tổ chức nhiều hoạt động trong ngày Hội trại truyền thống 26/3 nhằm tạo sân chơi vui tươi, năng động cho các em học sinh.

Cần Thơ: Nâng cao giá trị hạnh phúc gia đình thông qua hội thi nấu ăn

Cần Thơ: Nâng cao giá trị hạnh phúc gia đình thông qua hội thi nấu ăn

Một cuộc thi “mini” về nấu ăn cho các gia đình để nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, người lao động về tầm quan trọng của hạnh phúc gia đình đã được tổ chức tại một xã vùng sâu của Cần Thơ.

Cần Thơ: Phường Thới Bình tổ chức Họp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

Cần Thơ: Phường Thới Bình tổ chức Họp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3

(NSMT) - Uỷ ban nhân dân phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vừa tổ chức Họp mặt kỷ niệm 12 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tọa đàm “Chìa khóa gìn giữ hạnh phúc gia đình” và Tuyên dương các Gia đình văn hóa tiêu biểu.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một viên ngọc quý trong kho tàng di sản

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một viên ngọc quý trong kho tàng di sản

(NSMT) - Tối 19/3 (nhằm 20/2 âm lịch), tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh An Giang, Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Lễ đón bằng UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai hội Vía Bà năm 2025.

Biển người nô nức dự khai mạc Tuần lễ hoa kèn hồng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long

Biển người nô nức dự khai mạc Tuần lễ hoa kèn hồng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tối 15/3, tại huyện Châu Thành, Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng phối hợp với UBND huyện Châu Thành tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ hoa kèn hồng lần thứ nhất với chủ đề "Châu Thành - Khát vọng vươn mình".