Bạc Liêu: Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng
Ngoài vai trò chắn sóng biển, làm nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã, những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Bạc Liêu còn giàu tài nguyên để xây dựng các mô hình du lịch (DL) sinh thái hấp dẫn. Với định hướng mở rộng không gian DL về phía biển, tỉnh đang nỗ lực đánh thức tiềm năng DL dưới những tán rừng để góp phần đa dạng sinh kế cho người dân, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị từ các sản phẩm, dịch vụ xanh.
ĐỊNH HÌNH CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ XANH
Về Bạc Liêu hôm nay, bạn bè gần xa có thêm nhiều sự lựa chọn cho cung đường DL, trong đó các điểm DL sinh thái dọc theo tuyến ven biển là địa chỉ khó bỏ qua. Sau Nông trại Tôm Khỏe, Vườn nhà Tôm, DL sinh thái Hương Rừng, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 (huyện Hòa Bình), thì mới đây Vườn chim Lập Điền (huyện Đông Hải) cũng đã mở cửa đón khách. Vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần, các điểm DL sinh thái rừng luôn thu hút đông du khách đến vui chơi, giải trí. Không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động rất thú vị gắn liền với đời sống thường nhật của người dân xứ biển. Nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi được ra vườn thu hoạch rau, lội vuông bắt ốc len, đổ lú thu hoạch tôm, cua và thưởng thức ẩm thực trên bè nổi.
Mới đây, bạn Trần Thanh Thế cùng nhóm bạn đã vượt đoạn đường dài hơn 120km từ TP. Cần Thơ để đến Bạc Liêu, trong đó có ghé qua điểm DL sinh thái Hương Rừng. Dù là người miền Tây, song do sống ở thành thị nên lần đầu các bạn trẻ này được thử cảm giác đánh bắt các loài thủy sản sống dưới tán rừng. “Tôi và các bạn của mình đã có những phút giây thư giãn tuyệt vời khi được hòa mình vào không gian xanh ngát của rừng, đón những làn gió mát từ biển. Đặc biệt là được trải nghiệm công việc thu hoạch rau, thủy sản của người dân ở rừng phòng hộ. Việc ăn các món ăn từ cá, tôm biển cũng rất bình thường nhưng khi tự tay thu hoạch, chế biến và thưởng thức nó tại chỗ thì cảm giác thú vị hơn rất nhiều”, Thanh Thế bày tỏ.
Thời gian qua, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 không còn là công trình công nghiệp đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm DL sinh thái. Khu DL đang từng bước hoàn thiện để cung cấp các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí theo hướng cho du khách tận hưởng môi trường DL xanh. Đó là đi xe điện, xe đạp để ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp ở cánh đồng điện gió trên biển. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền đi khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, dựng lều cắm trại trên những thảm cỏ xanh ven biển và thưởng thức các đặc sản của biển như: cá thòi lòi, cá nâu, nghêu, ốc hương, cua…
Ông Trương Hoàng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Exotic Việt Nam trong chuyến khảo sát, góp ý cho các sản phẩm DL của Bạc Liêu đã chia sẻ: “So với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, Khu DL Điện gió Hòa Bình 1 được nhà đầu tư khai thác sâu hơn về dịch vụ DL. Nếu chuỗi dịch vụ vui chơi, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại đây được hình thành thì không khó để du khách lưu lại qua đêm. Đây là điểm nhấn mới về DL sinh thái của tỉnh để các công ty lữ hành quảng bá, chào hàng đến du khách trong thời gian tới”.
PHÁT TRIỂN GẮN VỚI BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Để phát huy tiềm năng và khai thác dư địa của DL sinh thái rừng, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh đang xây dựng Đề án DL sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu của Đề án là phát triển DL bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác phát triển DL với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Đối tượng, quy mô thực hiện Đề án được xác định tại các khu vực thuộc: Rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu, rừng đặc dụng Vườn chim Lập Điền và rừng phòng hộ ven biển. Theo đó, đơn vị sẽ tiến hành thu thập, đánh giá và phân tích hiện trạng tài nguyên rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển Bạc Liêu; điều tra, thu thập các thông tin liên quan đến vùng thực hiện Đề án như: tình hình sử dụng đất, dân cư, phong tục tập quán canh tác, hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, phòng cháy - chữa cháy rừng và vệ sinh môi trường), các giá trị về cảnh quan, lịch sử và văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển DL sinh thái. Ngoài ra, khảo sát để dự báo tác động môi trường của các công trình DL về chỉ tiêu xói mòn, khả năng giữ đất, giữ nước, ô nhiễm đất, nước...
Trên cơ sở hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng và các điều kiện khác, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh sẽ phối hợp với các bên liên quan (các ngành, chính quyền địa phương, người dân) lập bản đồ các tuyến, điểm tổ chức các hoạt động DL sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Đồng thời, xây dựng các hạng mục như: điểm nuôi động vật bán hoang dã, điểm cứu hộ động vật, công viên chim trong nhà lưới, các chòi dừng chân, điểm trú mưa, chòi vọng cảnh, nhà trưng bày tiêu bản - mẫu vật, phòng giáo dục môi trường, quầy bán quà lưu niệm… để phục vụ du khách.
Theo ông Lê Chí Linh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng - phòng hộ ven biển tỉnh, đơn vị sẽ tổ chức họp với các sở, ngành và địa phương liên quan để thẩm định Đề án và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong thời gian chờ Đề án ban hành, cán bộ Kiểm lâm các xã ven biển sẽ tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về phát triển DL sinh thái trên đất lâm nghiệp, đề nghị người dân không xây dựng các hạng mục mới. Việc xây dựng, triển khai Đề án sẽ tạo “cú hích” phát triển DL sinh thái, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng lập dự án đầu tư DL đảm bảo các quy định của Nhà nước, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo Hữu Thọ/ Báo Bạc Liêu
Nhọc nhằn nghề ủi hà, thôn ở quần đảo Nam Du
Dẫu biết “Một lần là tởn tới già/Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân”, nhưng những người làm nghề ủi hà, thôn ở hai xã Nam Du và xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) không thể không đi, vì đây là nghề mưu sinh giúp họ có thu nhập hằng ngày để lo cho gia đình.
Về Thới Tân, nghe chuyện cô Nga mần mắm
Ðến xã Thới Tân, huyện Thới Lai, hỏi Hiệu mắm Kim Nga hầu như ai cũng biết. Hương vị mặn mòi của mắm cá đồng từ bàn tay vén khéo của phụ nữ Thới Tân đã làm nên đặc sản trứ danh.
Victoria Cần Thơ Resort đoạt 4 giải thưởng danh giá tại Luxe Global Awards 2024TMG
(NSMT) - Khu nghỉ dưỡng mang vẻ đẹp Đông Dương Victoria Cần Thơ Resort tiếp tục nối dài chuỗi thành tích trên hành trình mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng đẳng cấp và tinh tế cho du khách khi vinh dự giành được 4 giải thưởng quan trọng tại LUXE Global Awards 2024.
Mỹ Khánh Royal: Trải nghiệm du thuyền khám phá Cần Thơ về đêm
(NSMT) - Tổ chức tiệc tùng, liên hoan, cưới hỏi hay đơn giản chỉ là những buổi tiệc riêng tư ấm cúng bên gia đình và bạn bè, tất cả đều có thể trở nên đặc biệt hơn khi được thực hiện trên một chiếc du thuyền, đưa bạn dạo một vòng quanh Cần Thơ lung linh về đêm. Trong không gian thư thái ấy, bạn không chỉ thưởng thức những món đặc sản miền Tây thơm ngon mà còn được tận hưởng cảnh sắc sông nước bình yên, mang đến một trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi du lịch vùng đất Tây Đô cùng du thuyền Mỹ Khánh Royal.
Tín hiệu khởi sắc cho nền du lịch đường sông TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh
(NSMT) - Nhằm giới thiệu hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, du lịch đặc trưng của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ cùng các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn thành phố, đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với đoàn khảo sát các tuyến điểm du lịch đường sông của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vào tối 03/11 tại Nhà hàng Sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Độc đáo bánh bò da lợn
Nam Bộ có hàng trăm loại bánh dân gian được làm từ những nguyên vật liệu sẵn có, thể hiện tài khéo, sáng tạo của cư dân nơi đây. Một ví dụ là bánh bò da lợn đa sắc của chị Nguyễn Thị Tha (khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) được yêu thích bởi hương vị và sự kết hợp độc đáo giữa hai loại: bánh bò và bánh da lợn.
Đa dạng sản phẩm du lịch khai thác văn hóa bản địa
Văn hóa bản địa được xem là tài nguyên đem đến nét đặc trưng cho du lịch của vùng đất. Việc khai thác tốt các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch sẽ làm nên những sản phẩm khác biệt thu hút du khách. Tại Cần Thơ, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã sớm tiếp cận xu hướng này và ngày càng có nhiều đơn vị khai thác đa dạng sản phẩm du lịch từ văn hóa.