“Cát tặc” hoành hành sông Tiền, sông Hậu… người dân sống nơi đây chỉ biết kêu “trời”…?
(NSMT) - ĐBSCL được trời phú cho nhiều mỏ cát mà không có nơi nào sánh bằng ở độ chất lượng. Chính vì thế, khắp 9 nhánh sông Cửu Long đều có vòi rồng bủa vây, hòng trái phép hút cạn trữ lượng tài nguyên để thỏa cơn “thèm khát” về lợi ích kinh tế.
4.000m2 đất giờ chỉ còn 500m2 vì sạt lở
Giá vật liệu xây dựng leo thang và những dự báo thiếu nguồn cát cho các công trình thời gian tới càng tăng thêm độ liều lĩnh khai thác cát lậu bằng mọi giá tại ĐBSCL.

Rất nhiều hộ dân mất nhà cửa, tài sản do sạt lở là một mất mát không có cách nào bù đắp được.( một góc sạt lở nghiêm trọng trên Cù lao An Bình thuộc huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long).
Ông T.V.K sống tại xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, hành nghề thợ hồ, chài lưới trên sông. Trước đây, nơi ông ở là phần đất hương quả của tổ tiên mấy đời gìn giữ. Nhưng gần chục năm nay, mấy ngàn m2 đất cứ từ từ bị “hà bá” nuốt trọn trong sự bất lực của gia đình.
Dù có làm kè bê tông nhưng chỉ cần một cơn sạt lở thì đất đá cũng đều bị trôi theo dòng nước. Hiện tại, đất ở thì lơ lửng không biết sụp thêm lúc nào, mà bỏ đi thì không có chỗ ở, thất nghiệp, thuê nhà không có tiền trả thì làm sao nuôi bản thân và gia đình. “Nhà tôi ngày trước có tới hơn 4.000m2 đất mà bây giờ chỉ còn lại chừng 500m2 thôi. Hồi đó đâu có sạt lở như bây giờ quá trời quá đất vậy, cây bần đang sừng sửng mà nó xoáy mấy vòng mất tiu cây bần luôn, ông K. bộc bạch.


Ông K. buồn bả, chỉ cho Phóng viên xem nhà cửa của mình bị sạt lở.
Cù lao An Bình nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên. Trong quá trình diễn tiến, phù sa bồi lắng tạo ra những cồn cát với trữ lượng cực lớn. Mỏ tài nguyên tại ngã ba này chính là khởi nguồn cho những cuộc săn lùng hàng triệu m3 cát của các “đầu nậu” trong vùng, bất chấp luật pháp trên con sông này. những hộ dân sống ven con sông trên cù lao An Bình, hầu như rất nhiều đêm, giấc ngủ của người dân bị phá tan bởi tiếng máy chạy hút cát dưới lòng sông.
Bà N.T.L ở ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tức tưởi cho biết: “Ban đêm nó làm ì đùng cả đêm. Đâu có ngủ được đâu, tôi thức trọn cả đêm tới sáng. Lâu lâu cái nó làm cho mấy ngày liên tục, người dân ở đây riết rồi không ai chịu nỗi hết”.
Thống kê từ tỉnh Vĩnh Long, dưới lòng sông của địa phương có 18 thân cát, tổng trữ lượng tài nguyên gần 130 triệu m3. Theo Quy hoạch được duyệt, toàn tỉnh có thể khai thác với tổng công suất bình quân từ 4 - 6 triệu m3/năm. Chức năng của loại cát này được sử dụng với mục đích khơi thông dòng chảy và phục vụ cho nhu cầu san lấp mặt bằng trong xây dựng. Hiện Vĩnh Long chỉ cấp14 giấy phép được phép hoạt động khai thác cát với tổng khối lượng 2.250.000m3. Thế nhưng, những mỏ cát trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn bị oanh tạc hằng đêm từ nhiều “tập đoàn” tàu ghe không có số hiệu.
Ông L.V.A bức xúc: Nó nói lấy cát để sửa lòng sông, mình đâu có biết nó làm gì. Nó nhờ mấy người trên xã và bên ngành tài nguyên môi trường xuống vận động họp dân để dân đồng ý cho lấy cát mà dân đâu có chịu. Nói thiệt, bồi thường 20 triệu đó, để lấy cát một đêm là cù lao này sụp luôn. Bây giờ đất bán thì không bán được mà lở thì lở hoài. Lấy cát mà đất đai người ta sạt lở hết trơn. Mấy đêm công an trực bắt thì không thấy một chiếc ghe nào hết. Mà công an về là trở lại hút ầm ầm.
Không được mềm lòng khi giám sát cát tặc
Áp lực về nguồn nguyên liệu cát phục vụ xây dựng có thể vẫn còn đó nhưng thái độ và phương án đẩy lùi “cát tặc” nhất thiết không được do dự mà mềm lòng. Hàng trăm ngàn người dân vô tội mất nhà cửa, tài sản do sạt lở là một mất mát không có cách nào bù đắp được. Sinh kế bị hủy hoại, buộc phải ly hương đã khiến cho người chứng kiến phải day dứt trong lòng. Chính vì thế, đẩy lùi “cát tặc” là để bảo vệ tài nguyên và nhân dân trước họng xoáy tham lam của một bộ phận gian thương.
Không riêng gì tỉnh Vĩnh Long, vấn nạn khai thác cát lậu, bức tử lòng sông đang là vấn đề nổi cộm thách thức các ngành quản lý và chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát. Trên toàn 9 nhánh sông Cửu Long, có chi chít những mỏ cát đang bị khai thác triệt để như: Tân Châu ( An Giang), huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện Long Hồ ( Vĩnh Long). Chính hoạt động trái phép này đã gây ra thảm trạng sạt lở, mất sinh kế và chỗ ở của hàng trăm ngàn hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV ( Tổng cục đường bộ Việt Nam) nhận định; Trách nhiệm này thuộc về địa phương, “cát tặc” có được đẩy lùi cũng tùy thuộc vào độ quyết tâm đấu tranh của địa phương. “Phát hiện có khai thác lậu thì bên Cục gửi văn bản yêu cầu địa phương phải có phương án truy bắt và xử lý. Từ tết nguyên đáng đến thời điểm hiện tại, phát hiện mấy điểm khai thác cát lậu, qua tuần tra, xử lý nhiều lần thì thấy không còn có dấu hiệu khai thác cát. quyết liệt hơn nữa là phải lập chốt thì mới ngăn chặn được tình trạng khai thác cát trái phép về đêm”.


Với lợi nhuận dạng “khủng” từ cát đã nung nấu trong bộ sậu “cát tặc” những phương án khai thác tinh vi để qua mặt ngành chức năng. ( Ảnh; minh họa)
Trách nhiệm thuộc về địa phương và liên ngành chức năng. Nhưng khi được hỏi về công tác phối hợp tuần tra để lần ra manh mối các “đầu nậu, cát tặc” đưa tàu vào sông Cổ Chiên khai thác cát lậu thì ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long lý giải: “Bên lĩnh vực thanh tra của Sở TN-MT thì chỉ có 9 thành viên và công việc rất nhiều nên chỉ đi tuần tra vào ban ngày, còn ban đêm là ngành công an phụ trách. Tuần tra ban ngày thì không phát hiện, ban đêm mới có. UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho UBND huyện, xã và lực lượng công an. Đẩy lùi cát lậu là cả hệ thống chính trị ở địa phương tham gia, còn Sở TN-MT chỉ tham gia khi có thông báo phối hợp. Bên Sở đâu có đủ lực lượng và phương tiện để đi kiểm tra cát lậu, nếu thuê tàu thì sẽ bị động, cát tặc không hoạt động thì sẽ khó xử lý.
Được biết thời gian gần đây, đồng loạt nhiều địa phương như : Bến Tre, Vĩnh Long…đã đưa ra xét xử những cá nhân, tổ chức khai thác cát trái phép trên địa bàn bằng những bản án tù và số tiền đền bù lên tới hàng tỉ đồng. Thế nhưng, sau cánh cửa của phiên tòa, dự luận mạnh miệng tuyên bố rằng đó chỉ mới giải quyết được “cái ngọn”. Còn “cái gốc” thì vẫn ung dung ẩn mình sau những chuyến tàu ma xuất hiện trên sông Tiền, sông Hậu mỗi đêm. Với lợi nhuận dạng “khủng” từ cát đã nung nấu trong bộ sậu “cát tặc” những phương án khai thác tinh vi để qua mặt ngành chức năng. Chẳng hạn như sử dụng máy giảm âm để hạn chế tiếng động trong khi hút cát. Khi bị phát hiện thì liều lĩnh tấn công để hủy hoại bằng chứng.
Thống kê được phát đi hồi tháng 3/2022 từ Bộ NN và PTNN thì hiện nay toàn ĐBSCL có đến 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 610km, trong đó có 147 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 127km. Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương ĐBSCL trực tiếp quản lý lên tới trên 13.000 tỉ đồng. Theo số liệu từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), hiện tại trữ lượng cát sông ở ĐBSCL còn khoảng 66,6 triệu m3 đã được cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 15 triệu m3/năm. Nhưng thực tế, lượng cát khai thác hằng năm ở ĐBSCL có thể lên tới 28 triệu m3, vượt xa con số báo cáo. Mới đây nhất, Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã gửi văn bản đến UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang về việc hỗ trợ kiểm tra, xử lý tình trạng hút cát lòng sông Tiền trong phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu, gây nguy hiểm đến an toàn cầu Mỹ Thuận. Chỉ thị số 38 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/9/2020 đã chỉ rõ: lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại địa bàn. Vậy thì, người đứng đầu địa phương nhất thiết phải có chiến thuật điều hành quyết liệt đẩy lùi vấn nạn khai thác cát trái phép rút ruột sông Tiền, sông Hậu hiện nay. |
Sóc Trăng: Phát hiện gần 8 tấn sữa, thực phẩm chức năng không hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ
Ngày 14/5, Công an xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) cho biết đang phối hợp điều tra, xử lý theo quy định gần 8 tấn hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và giấy phép lưu hành sản phẩm vừa phát hiện trên địa bàn.
Cà Mau: Lắng nghe thiếu nhi, dựng xây Cà Mau vươn mình cùng kỷ nguyên mới
(NSMT) - Chiều 15/5, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình gặp gỡ thiếu nhi với năm 2025 chủ đề “Lắng nghe thiếu nhi, dựng xây Cà Mau vươn mình cùng kỷ nguyên mới”.
Trường Đại học Nam Cần Thơ và UBND TP Cần Thơ ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển
(NSMT) - Chiều 14/5, tại TP. Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) và Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chăm sóc sức khỏe phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân TP. Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ 20 năm vươn mình thành “trái tim” của ngành y tế miền Tây
Ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (2005–2025), đánh dấu hành trình hai thập kỷ không ngừng phát triển, trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang kiểm tra, khảo sát tại xã Thổ Châu
Ngày 12-5, đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, khảo sát và làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã Thổ Châu (TP. Phú Quốc).
Vợ chồng Hoa hậu Võ Thị Ngọc Giàu và các con chinh phục giải ba môn phối hợp quốc tế IRONMAN 70.3
Đà Nẵng, ngày 11/5/2025 – Tại giải thi đấu ba môn phối hợp quốc tế IRONMAN 70.3 Việt Nam, hình ảnh vợ chồng Hoa hậu – doanh nhân Võ Thị Ngọc Giàu cùng các con bền bỉ vượt qua thử thách khắc nghiệt đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng cộng đồng yêu thể thao và phát triển bản thân.
Tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em, mua bán người cho học sinh Tiểu học
Ngày 12/5, Đoàn Thanh niên – Phụ nữ phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ chí Minh xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tổ chức tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, mua bán người và tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học An Hiệp A.