Phong phú ẩm thực miệt núi An Giang
(NSMT) - Các món đặc sản miền Tây vẫn luôn là nét văn hóa ẩm thực cuốn hút đối với tất cả du khách ghé thăm, không chỉ vì sự đa dạng mà còn nằm ngay ở những nguyên liệu dân dã, thuần túy được chế biến theo kiểu đậm chất xứ sở. Ẩm thực An Giang lại càng đặc biệt hơn khi nhận được sự giao thoa văn hóa của cả dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa tạo nên nét đặc trưng vùng đất bảy núi.
Mảnh đất miền Tây không chỉ thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên hài hòa, khí hậu chiều lòng người mà còn nằm cả ở nền ẩm thực phong phú. Nếu văn hóa ẩm thực vùng Cửu Long Giang là một bức tranh nhiều màu sắc thì các món ăn đặc sản miền đất núi An Giang chính là nét chấm phá tạo điểm nhấn đặc biệt thu hút đến với du khách trong và ngoài vùng. Cũng từ những nguyên liệu đơn giản, gần gũi và gia vị cơ bản nhưng nếu món ăn được chế biến từ chính bàn tay người An Giang lại có hương vị đặc biệt khó để tìm thấy ở nơi khác.
Để khám phá được hết món ngon An Giang có lẽ du khách sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi dài ngày mới có thể hoàn thành được mục tiêu này. Các món như cá linh, bánh xèo, lẩu mắm hẳn ai cũng nghỉ địa phương nào ở miền Tây cũng có, nhưng thực sự bạn sẽ có được trải nghiệm thú vị khi thưởng thức chúng ngay tại An Giang.
Cá linh là một loại sản vật đặc trưng vào mùa nước nổi miền Tây nhất là tại vùng thượng nguồn sông Mekong như tỉnh An Giang giáp với Campuchia, ngay đầu mùa nước nổi tại An Giang bạn có thể thưởng thức được loại cá linh non thơm béo, ngọt thịt với các món như cá linh nấu canh chua bông điên điển, cá linh kho tiêu, cá linh kho me non,... Đầu mùa nước nổi là thời điểm cá linh được coi là ngon nhất nên chắc chắn ở An Giang bạn sẽ không thể bỏ qua món ăn này.
Gỏi lá sầu đâu, một món ăn gây thương nhớ bởi vị đắng nhẩn của đọt và lá sầu đâu - loài cây hoang dại được người dân đem về chế biến món ăn, đến nay đã trở thành đặc sản miền xứ sở. Lá sầu đâu thường kết hợp với khô cá lóc, cá sặc và được trụng với nước sôi trước khi trộn gỏi để giảm bứt vị đắng cho món ăn. Khi thưởng thức món gỏi sầu đâu bạn có thể cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng giống như hương vị của cuộc sống thường nhật với nhiều cung bậc cảm xúc.
Bánh xèo Núi Cấm sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm thú vị với cả bánh xèo chay và bánh xèo mặn, giá thành lại cực kỳ rẻ. Đi kèm dĩa bánh xèo Núi Cấm luôn là rổ rau rừng tươi ngon được lấy từ chính cây cỏ trong thiên nhiên tại khu vực quanh núi. Rổ rau tươi mát đủ loại và đủ vị từ ngọt, thơm, the, chua như lá xoài, lá cóc, lá bằng lăng non, lá cách, rau tía tô, rau quế vị, rau cải xanh, rau húng lủi, sao nhái, đọt mọt,... Vỏ bánh xèo giòn rụm, nhân bánh lại đa dạng phù hợp với khẩu vị hầu hết thực khách ghé qua nên lúc nào các tiệm bánh cũng hồng lửa, cuốn miếng bánh vừa có vỏ vừa có nhân bên trong nắm rau rừng chấm đẫm trong chén nước mắm chua ngọt nữa hẳn quên cả lối về.
Bên cạnh đó, các món ăn từ thịt bò cũng là đặc trưng riêng biệt của vùng đất này. Cháo bò Tri Tôn, thịt bò kẹp nướng than hay món "bò leo núi" đều gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những ai có dịp thử qua. Cháo bò Tri Tôn được nấu với nguyên liệu từ bò bản địa, phần lòng bò được làm sạch sẽ rồi luộc để riêng, cháo nấu chung với huyết bò tạo màu sắc tự nhiên hấp dẫn. Bò kẹp nướng than ở An Giang được người dân địa phương ướp theo công thức riêng và cách nêm nếm không phải ai cũng có thể bắt chước, một xâu bò nóng hổi, đậm đà nhưng giá cả lại phải chăng nên cứ quyến luyến muốn ăn mãi. "Bò leo núi" không giống "gà đi bộ", tên gọi không thể hiện cách chăn thả mà đơn giản vì khi ăn, bò được nướng trên chiếc vỉ có hình chóp giống như ngọn núi, món ăn này vốn có nguồn gốc từ Campuchia và được người dân xứ này học hỏi, chế biến cho hợp với khẩu vị quê nhà.
Gà đốt Ô Thum, món ăn chiếm được nhiều cảm tình của những người sành ăn. Món ăn dân dã nhưng tiếng vang được truyền đi rất xa khiến ai cũng muốn có ít nhất một cơ hội nếm thử. Loại gà để chế biến món ăn này phải là gà đồi, nhỏ nhưng chắc thịt và đặc biệt kết hợp với lá chúc nơi đất núi nữa mới đúng kiểu. Ăn gà đốt hợp rơ nhất là chấm với muối tiêu trái chúc, những vùng khác thường ăn kèm thịt gà với lá chanh, muối tiêu chanh còn riêng miệt Bảy núi An Giang chỉ mê mẩn loài chúc rừng, vị chua thanh và hương thơm nồng khó tả...
Ẩm thực An Giang hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, tuyệt vời và thực sự đáng thử.
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP HCM và ĐBSCL tại TP Cần Thơ năm 2024
(NSMT) - Tuần lễ Du lịch - Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long tại TP Cần Thơ năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 02/12/2024. Các hoạt động diễn ra tập trung tại quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và các địa phương lân cận TP Cần Thơ.
Mộc mạc vị cốm Trung Thạnh
Xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ từ lâu nổi tiếng với nghề làm cốm nổ, mang hương vị mộc mạc, bình dị. Gia đình cô Âu Thị Thu Hồng, chủ lò cốm Minh Tứ ở ấp Thạnh Lợi, là một trong những hộ đã gắn bó với nghề làm cốm nổ hơn 30 năm qua. Không chỉ lưu giữ nếp quê qua món bánh dân dã, nghề làm cốm mang đến cho gia đình cô Hồng nguồn thu nhập ổn định.
102 món ăn chế biến từ tàu hũ ky Mỹ Hòa xác lập kỷ lục Việt Nam
(NSMT) – Ngày 17/11, Uỷ ban Nhân dân Thị xã Bình Minh phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Long tổ chức Liên hoan ẩm thực món ngon vùng miền và Hội thi ẩm thực, sự kiện chế biến và công diễn xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam.
Vĩnh Long khai trương tuyến phố đi bộ tại dự án của T&T Group
UBND tỉnh Vĩnh Long đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ thành phố Vĩnh Long tại dự án Khu dân cư Phước Thọ (do Công ty T&T Land Phước Thọ, thành viên của Tập đoàn T&T Group phát triển) để phục vụ Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần 1 năm 2024.
Kết nối giao thương sản phẩm xuất khẩu, OCOP và đặc sản Cà Mau
(NSMT) - Sáng 15/11, Bộ công thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Nhọc nhằn nghề ủi hà, thôn ở quần đảo Nam Du
Dẫu biết “Một lần là tởn tới già/Ðừng đi nước mặn mà hà ăn chân”, nhưng những người làm nghề ủi hà, thôn ở hai xã Nam Du và xã An Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) không thể không đi, vì đây là nghề mưu sinh giúp họ có thu nhập hằng ngày để lo cho gia đình.
Về Thới Tân, nghe chuyện cô Nga mần mắm
Ðến xã Thới Tân, huyện Thới Lai, hỏi Hiệu mắm Kim Nga hầu như ai cũng biết. Hương vị mặn mòi của mắm cá đồng từ bàn tay vén khéo của phụ nữ Thới Tân đã làm nên đặc sản trứ danh.